Những ngày qua, nhiều người tìm đến huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) để mua giống nhãn tím cơm xuồng "độc", lạ của nông dân trẻ Trần Thái Bình khiến những nhánh nhãn tím mà nhà vườn này chiết ra không đủ cung cấp.
Sáng tạo trong sản xuất
Anh Bình cho biết cách đây hơn 2 năm, anh sang Bến Tre mua 2 cây nhãn xuồng tím với giá 9 triệu đồng mang về ghép lên thân 20 cây nhãn xuồng trong vườn nhà.
Sau khoảng 1 năm, cây nhãn ghép bắt đầu chuyển sang "tím toàn tập" cả lá lẫn trái. Đặc biệt, nhãn tím này rất dày cơm, lạ mắt nên được người tiêu dùng ở khắp nơi đặt hàng với giá 250.000 đồng/kg. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Bình xử lý để vườn nhãn tím cho trái quanh năm. Ngoài bán trái và tăng diện tích trồng lên hơn 1 ha, hiện anh Bình còn bán cây giống (300.000 đồng/nhánh) cho những người thích trồng.
Tương tự, lão nông Tạ Trung Thành (xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cũng thành công với giống nhãn tím, có trái bao nhiêu là đối tác bao tiêu hết. "Năm 2019, họ bao tiêu chỉ 100.000 đồng/kg thôi. Năm nay, thấy thị trường dễ tiêu thụ nên đối tác nâng giá bao tiêu lên 150.000 đồng/kg" - ông Thành chia sẻ.
Hiện nay, có một đối tác chuyên xuất khẩu đã đặt vấn đề bao tiêu hết sản lượng của vườn nhãn ông Thành để xuất khẩu với giá 250.000 đồng/kg. Mỗi năm, vườn nhãn của ông có thể thu hoạch 2 vụ, với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg, ông thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Năm 2013, hay tin ở Bến Tre xuất hiện giống mãng cầu "khổng lồ" (còn gọi là na hoàng hậu), ông Nguyễn Văn Năm (ngụ xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) mua 32 cây giống về trồng. Sau 1 năm, cây cho trái to hơn mãng cầu thường. Ăn thử thì thấy ngon lại ít hạt nên ông quyết định phá vườn ổi để mua thêm 100 cây giống mãng cầu này về trồng. Hiện vườn mãng cầu của ông Năm có trên 2.000 cây với diện tích 2 ha. Do đây là loại trái cây mới, lạ nên thị trường tiêu thụ rất mạnh.
Theo ông Năm, hiện loại mãng cầu này được đối tác thu mua giá 80.000 đồng/kg (loại 1, từ 400 g trở lên), 60.000 đồng/kg (loại 2, dưới 400 g), cao gấp 2-3 lần so với mãng cầu thường. Cộng thêm việc bán cây giống, mỗi năm ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Năm trồng giống mãng cầu “khổng lồ” được thị trường tiêu thụ mạnh. Ảnh: Ca Linh
Phải biết làm mới
Một trong những địa điểm được nhiều người biết đến tại làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) là "Căn nhà màu tím" của ông Trần Văn Tiếp.
Đến nhà ông, ai cũng ấn tượng với chiếc cổng cùng tấm bảng hiệu kinh doanh hoa màu tím. Bước vào bên trong, từ chiếc bàn, chiếc xe, cái tủ, đồng hồ trên tay ông cho đến khu vườn toàn những loại hoa có màu "tím toàn tập".
Theo ông Tiếp, để thu hút du khách đến "Căn nhà màu tím", ông luôn thay đổi từ tiểu cảnh đến trang trí ngôi nhà. Không dừng ở đó, ông còn mang niềm đam mê độc đáo từ màu tím sang lĩnh vực kinh doanh hoa, kiểng. Vì vậy, ông luôn là người đi tiên phong trong việc tìm kiếm, lai tạo ra nhiều giống hoa mới, lạ... Và tất cả đều mang màu tím. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm hoa và cùng học cách trồng hoa.
Khu vui chơi giải trí miệt vườn "Happyland Hùng Thy" ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc cũng là một điểm đến rất ấn tượng, bởi chủ nhân nơi này luôn làm mới và có những sự lựa chọn đầy táo bạo cho mô hình kinh doanh của mình trong diện tích 17.000 m2. Mỗi năm, nơi đây đón hơn 50.000 lượt du khách từ các nơi tìm đến.
Anh Nguyễn Ngọc Hùng, chủ khu vui chơi, chia sẻ rằng để thu hút du khách, mỗi năm anh và vợ luôn có ý tưởng đổi mới từ cách bài trí chủ đề theo xu hướng độc, lạ, không làm những gì người khác đã làm.
Từ quy mô chỉ khai thác 8.000 m2 ban đầu, đến nay khu vui chơi của gia đình anh Hùng có tổng diện tích 17.000 m2, với các phân khu chức năng, gồm: Khu trồng hoa kiểng, tiểu cảnh phục vụ chụp ảnh lưu niệm; khu nhà hàng ăn uống, giải khát, bán hàng đặc sản, quà lưu niệm; khu vui chơi trải nghiệm đậm chất miệt vườn với các trò chơi dân gian: Bơi xuồng, đu quay, kéo co, chạy xe đạp thăng bằng qua cầu, đi cầu lắc, đẩy gậy, chạy xe đạp thăng bằng qua cầu lượn, đi cáp treo, đi cầu thập bát, bơi thúng, đi dây thừng qua sông, qua cầu khỉ... và 4 trò chơi trải nghiệm thực tế: câu cá, kéo lưới, bắt ếch, bắt cá lóc dưới ao...
Thất bại vì tự phát
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng những mô hình mang tính chất "độc", lạ mà nhiều người dân thực hiện rất cần được đánh giá về mặt khoa học của các chuyên gia trong từng lĩnh vực thì mới mong có sự duy trì và phát triển bền vững. Bởi trên thực tế, thời gian qua có rất nhiều người thất bại từ những mô hình tương tự dẫn đến phá sản do làm tự phát như trường hợp một thanh niên ở tỉnh Đồng Tháp rất đam mê mô hình trồng lúa hữu cơ kiểu truyền thống để cho ra đời sản phẩm gạo sạch với giá cao. Tuy nhiên, mô hình này tồn tại được một vài năm thì chủ nhân của nó không thể duy trì do năng suất lúa quá kém, chỉ khoảng hơn 1 tấn/ha.
"Nóng vội muốn tạo ra sự độc, lạ mà thanh niên này thất bại do năng suất lúa quá kém, không thể nào bù lỗ cho chi phí sản xuất. Từ đó, việc thu hút người khác tham gia vào mô hình cũng không thể khả thi" - GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định.
T.Nốt
Bình luận (0)