Ngày 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Thủ tướng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng qua tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Không để hình thành điểm nóng
Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế, Thủ tướng chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực xã hội như thiên tai, an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác. Thời gian gần đây, thiên tai xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc (Lai Châu, Hà Giang…) và miền Trung, gây thiệt hại lớn. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết trong đợt mưa lũ vừa qua toàn tỉnh thiệt hại ước tính 314 tỉ đồng, trong khi quỹ dự phòng ngân sách chỉ còn 30 tỉ đồng. Tỉnh Lai Châu kiến nghị Chính phủ cấp khoảng 150 - 170 tỉ đồng để sớm khắc phục, ổn định đời sống người dân.
Tiếp đó là vấn đề về an ninh trật tự mà nổi cộm là vụ việc ở Bình Thuận. Thủ tướng cho rằng đây là kinh nghiệm chung cho các địa phương khác trong công tác ổn định trật tự xã hội. Chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng.
Vấn đề xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, tham nhũng, lợi ích nhóm... đang gây bức xúc xã hội. "Lòng dân phải được quan tâm, lợi ích chính đáng của nhân dân cần được chú ý. Chúng ta phải lập lại trật tự kỷ cương, phép nước, dân chủ tập trung nhưng phải kiên quyết xử lý kẻ cầm đầu chống đối xã hội" - Thủ tướng khẳng định.
Về công tác bảo đảm an ninh trật tự, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết bộ đã triển khai các phương án, kế hoạch giải quyết các vụ việc phức tạp nổi lên, nhất là giải quyết ổn định các vụ tụ tập đông người trái pháp luật phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính đặc biệt xảy ra tại Bình Thuận và một số địa phương vừa qua. "Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy là người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất tại địa phương; lực lượng công an, quân đội giữ vai trò tham mưu nòng cốt trong thực hiện các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn" - ông Tô Lâm nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến ngày 2-7Ảnh: TTXVN
Bảo đảm trật tự tại các trạm BOT
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sắp tới, các dự án BOT sẽ được triển khai theo Nghị quyết của Quốc hội, những dự án mới sẽ không tạo bức xúc. Đối với các dự án đã triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện nên đề nghị các địa phương, các bộ, ngành cùng với Bộ GTVT cố gắng thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, cố gắng giảm chi phí một cách tốt nhất cho các trạm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian tới sẽ triển khai các dự án rất lớn. Thứ nhất, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông với 11 dự án thành phần. Ngoài ra, bộ đang triển khai xây dựng đề án đường sắt Bắc Nam tốc độ cao, sẽ báo cáo Quốc hội vào năm 2019.
Về giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã diễn ra thành công, nghiêm túc và được đánh giá là nhẹ nhàng. Một vấn đề cần quan tâm là sự xuống cấp của phần lớn các nhà vệ sinh trong trường học. Các địa phương quan tâm, bố trí ngân sách xây dựng, sửa chữa, bảo đảm cơ sở vật chất học tập cho học sinh. Ngay sau phần phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức yêu cầu Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các địa phương phải quyết liệt hành động để giải quyết tồn tại này.
"Chúng ta đã nói nhiều về vấn đề này rồi, đây là việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn cho thế hệ con em của chúng ta. Chúng ta cứ nói những việc lớn lao, còn những việc cụ thể, thiết thực thì chậm trễ. Nhân đây, tôi cũng yêu cầu Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về việc nhà vệ sinh trong các bệnh viện, cơ sở khám bệnh hôi thối trong nhiều năm qua, cần sớm giải quyết dứt điểm" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục bãi bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các điều kiện kinh doanh mới núp bóng thể chế, chính sách, pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ. Môi trường kinh doanh phải được cải thiện mạnh hơn, với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí. Việc cải thiện môi trường kinh doanh đang gặp sức ì, trong đó có một số cán bộ "ôm vào mình những quyền lợi không chính đáng".
Bộ Công an không còn 6 tổng cục
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan hành chính đã tinh giản biên chế 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập tinh giản 24.717 người, công chức cấp xã tinh giản 5.767 người. Các bộ, ngành đã sắp xếp giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. Riêng Bộ Công an đang được sắp xếp theo hướng không còn 6 tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục xuống còn 60, giảm 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Bình luận (0)