Những vùng bị chia cắt chủ yếu tại huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và đã có 1 người chết, 1 người mất tích ở thị xã Ba Đồn và huyện Minh Hóa.
Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, hơn 500 căn nhà bị ngập lụt, giao thông chia cắt, lực lượng chức năng dùng canô để di chuyển các trường hợp khẩn cấp và di dời các hộ dân lên nhà tránh lũ. Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết toàn xã có gần 700 ngôi nhà nhưng đã có 512 nhà bị ngập, có nơi sâu trên 2 m.
Ông Lê Công Hữu, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa, cho biết trong ngày 4-9, lực lượng chức năng đã di dời 200 hộ dân với 790 nhân khẩu ở huyện này lên địa điểm an toàn. Nếu nước sông Gianh tiếp tục dâng cao thì sẽ tổ chức di dời dân, dự kiến 600 hộ với 2.274 khẩu.
Hàng trăm nhà dân ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị ngập sâu Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, 27 ha lúa bị ngập, hàng trăm hecta hoa màu bị hư hỏng. Các quốc lộ 12A, 15 và 9B xảy ra tình trạng sạt lở mái ta-luy, cây gãy đổ gây nguy cơ tắc đường.
Tại Quảng Trị, nước sông Sê Pôn dâng cao khiến hàng trăm ngôi nhà ở phía Tây của tỉnh ngập sâu trong nước, tình trạng sạt lở và chia cắt xảy ra khắp nơi.
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết gần 700 ngôi nhà ở thị trấn Lao Bảo và các xã Tân Long, Thuận, Tân Thành bị ngập. Huyện đã di dời gần 1.000 hộ dân/4.000 nhân khẩu và vẫn đang tiếp tục theo dõi, sơ tán người dân khỏi vùng nguy cơ ngập lũ.
Tại huyện Đakrông, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có hàng chục điểm sạt lở, đất đá tràn xuống đường. Đến nay, hầu hết các điểm sạt lở được khắc phục, xe cộ đã thông tuyến.
Tỉnh Quảng Trị đã có kế hoạch sơ tán 11.300 người dân tại vùng thấp trũng, ven sông suối, khu vực dễ xảy ra lũ quét, sạt lở; trong đó đã di dời 1.200 hộ dân/5.200 nhân khẩu tại huyện Hướng Hóa và Đakrông.
Trong những ngày qua, trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra mưa lớn khiến nhiều xã bị nước lũ cô lập; hàng chục ngàn hecta lúa, cây ăn quả, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng. Mưa lũ còn khiến 3 người dân (1 người ở Hà Tĩnh, 2 người ở Nghệ An) bị nước cuốn tử vong.
Tại tỉnh Kon Tum cũng xảy ra sạt lở làm tê liệt nhiều tuyến đường. Trên Quốc lộ 40B đoạn qua xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông sạt lở lớn gây tắc đường. Trên Tỉnh lộ 674 đi xã Mo Rai, huyện Sa Thầy có hàng chục điểm sạt lở nặng.
Bình luận (0)