Ngày 9-7, hằng năm trở thành ngày truyền thống của Lữ đoàn 171 - Vùng 2 Hải quân. 55 năm ra đời, chiến đấu, xây dựng và phát triển của lữ đoàn tàu săn ngầm tuần tiễu này có 4 mốc son chói lọi: Đánh đuổi tàu thủy, máy bay Mỹ ở miền Bắc; giúp nước bạn Campuchia đánh đuổi Pol Pot Ieng Sary; tham gia xây đảo Trường Sa; xây dựng những cột mốc chủ quyền DK1 ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Hồi ức của "sói biển"
Trong 4 mốc son ấy, phải kể đến chiến công trên biển của bộ đội Hải quân tàu HQ-07 thuộc Hạm đội 171 (tên gọi cũ của Lữ đoàn 171 giai đoạn 1975-1981, sau khi sáp nhập Trung đoàn 171 và Trung đoàn 175), tiêu diệt quân Pol Pot Ieng Sary.
Trong nhiều cựu binh trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979, có ông Nguyễn Viết Chức, một "sói biển", từng là thuyền trưởng tàu săn ngầm phiên hiệu 159AE của Lữ đoàn 171 Hải quân. Trong ký ức của "sói biển" này vẫn lưu giữ nguyên vẹn những sự kiện chân thật về "những ngày hoa lửa" đánh địch ở cảng Ream - Campuchia. "Cứ đến ngày 9-7 hằng năm, trong tôi lại ùa về ký ức những ngày cùng đồng đội chiến đấu trên nước bạn Campuchia. Bộ đội Hải quân Việt Nam giúp nước bạn tiêu diệt Pol Pot Ieng Sary đã tạc vào sử xanh một thời bất tử của chúng tôi - những người lính biển dành cả tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho biển, đảo" - cựu binh Nguyễn Viết Chức nói.
Sự kiện làm kinh hoàng lịch sử thế giới năm 1979 là Pol Pot Ieng Sary thực hiện "chế độ diệt chủng" tại Campuchia, sát hại hơn 3 triệu dân thường vô tội. Trước tình hình trên, chính phủ Hoàng gia Campuchia lúc đó, đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, đã đề nghị Việt Nam giúp đỡ về mặt quân sự. "Việt Nam xác định: Giúp bạn là giúp mình. Hàng ngàn lính tình nguyện Việt Nam lên đường sang Campuchia chiến đấu, trong đó có tàu HQ-07 chúng tôi" - ông Chức tự hào.
Theo ông Chức, lúc đó, tàu HQ-07, được ví là "cá mập" của Hạm đội 171, cùng với các tàu của Hải quân Việt Nam thực hiện cuộc hải kích đặc biệt tiêu diệt bọn Pol Pot ở Campuchia. Trước khi xuất kích, tất cả tàu tập kết ở bến cảng Cam Ranh và chia thành 2 biên đội. Những người lính tuổi mười tám đôi mươi lần đầu tiên bước chân xuống tàu đi chiến đấu đã khóc vì nhớ quê hương. Nhiều tân binh viết thư về cho gia đình chia tay lần cuối.
Sau khi rời cảng Cam Ranh, 2 biên đội tàu chia làm 2 nhóm. Nhóm biệt kích số 1 gồm các tàu HQ-01, HQ-03, HQ-197, HQ-205 do thuyền trưởng Đỗ Xuân Công chỉ huy đi trên tàu HQ-01. Nhóm này có nhiệm vụ dùng pháo lớn bắn từ xa và đánh chặn địch trên vùng biển Kampong Som và cảng Ream. Nhóm 2 gồm các tàu HQ-05, HQ-07, HQ-613, HQ-199, HQ-203, HQ-215 và các tàu tuần duyên (PGM) của Vùng 5 Hải quân do đại úy Nguyễn Tư Tường chỉ huy. Nhóm này bí mật đột kích thẳng vào cảng Ream, bảo vệ sườn bên trái cho lực lượng Đặc công nước 126 đổ bộ đánh chiếm đầu cầu. Trận chiến đánh giáp lá cà trên biển và cầu cảng chỉ diễn ra 20 phút đã khiến một tàu địch bị tiêu diệt, một số tàu khác bị hỏng nặng.
Thế hệ trẻ Lữ đoàn 171 phát huy truyền thống anh hùng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng
Sự kiện Lữ đoàn 171 tham gia giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi Pol Pot Ieng Sary mãi là niềm tự hào của nhiều thế hệ; khẳng định tình hữu nghị của hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Lữ đoàn 171 tiền thân là Trung đoàn 171 thành lập ngày 9-7-1966. Hiện nay, Lữ đoàn 171 trực thuộc Vùng 2 Hải quân, có nhiệm vụ bảo vệ các nhà giàn, vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Từ một hạm đội nhỏ bé, sau 55 năm ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Trung đoàn 171 đã trở thành một lữ đoàn chính quy với đội ngũ tàu săn ngầm có vũ khí hiện đại, quân số biên chế tinh nhuệ. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn thường xuyên nêu cao ý chí tự lực tự cường, mưu trí, sáng tạo, khắc phục khó khăn, anh dũng chiến đấu và giành chiến thắng trên khắp các chiến trường từ Bắc, Trung, Nam trong kháng chiến chống Mỹ; làm tròn nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và hiện nay, thực hiện trọng trách bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trong tình hình mới hiện nay, thực hiện quan điểm của Đảng về xây dựng quân đội "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại", Lữ đoàn 171 tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, chiến đấu với phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ chuyên sâu", lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện; ra sức thi đua "huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, thực hiện nền nếp chính quy tốt"; phát huy truyền thống "chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng" mà thế hệ cha anh đã xây dựng nên.
Tự hào về thành quả 55 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 nỗ lực huấn luyện tốt, trau dồi kiến thức, làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại, xây dựng lữ đoàn chính quy mẫu mực.
Trung úy Bùi Thanh Hưng, Trung đội trưởng Vệ binh Lữ đoàn 171, bày tỏ: "Được cống hiến ở lữ đoàn có bề dày truyền thống hơn nửa thế kỷ là một vinh dự. Mỗi chặng đường của lữ đoàn đều gắn với một chiến công. Những câu chuyện kể của thế hệ cha anh để lại hoặc chép trong lịch sử của lữ đoàn là hành trang để thế hệ chúng tôi tiếp bước, tự hào và noi theo".
Hy sinh cho nước bạn hồi sinh
Ông Nguyễn Viết Chức cho chúng tôi xem cuốn nhật ký viết cách đây 42 năm. Trong cuốn nhật ký này ghi lại thời khắc ông bế xác đồng đội trên tàu. "Bọn Pol Pot bị tiêu diệt và bắt sống nhưng nhiều chiến sĩ của Lữ đoàn 171 hy sinh ngay trên vùng biển Tây Nam. Tôi nhớ nhất là người đồng đội Lê Hữu Được (quê huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) bị quả đạn cối 57 ly của địch bắn. Lúc đó, Được đang thực hiện nhiệm vụ trên cabin, bỗng một tiếng nổ inh tai kèm theo mùi thuốc pháo khét lẹt... Tôi chạy đến bế xác Được, gào khóc giữa đạn bắn ầm ầm, rồi lần từng bậc thang ôm xác đồng đội xuống hầm lạnh" - ông Chức nhớ lại.
Ngoài liệt sĩ Lê Hữu Được, nhiều đồng đội cũng hy sinh trên tàu HQ-07 ngày ấy cũng được ông Chức nhắc đến trong câu chuyện kể với nỗi đau, tiếc thương khôn nguôi. "Họ đã hy sinh cho nước bạn hồi sinh" - ông Chức nói.
Bình luận (0)