Sáng nay 18-9, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn toàn quốc Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại 73 điểm cầu. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì Hội nghị cùng nhiều đại biểu Bộ, ban ngành.
Toàn cảnh Hội nghị sáng 18-9
Theo đó, Bộ Quốc phòng cho biết những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lớn về định hướng chiến lược biển; xác định mục tiêu, quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam là: kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên biển; giữ vững ổn định chính trị trong nước, giữ vững môi trường hòa bình ổn định lâu dài là lợi ích cao nhất để xây dựng và phát triển đất nước.
"Khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực" - đại diện Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Thiếu tướng Trần Văn Nam chia sẻ với báo chí
Ngoài ra, các bên cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC, năm 2002); Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông (2012); Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (2012). Đồng thời, sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)…
Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời mang ý nghĩa rất quan trọng đối với lực lượng cảnh sát biển, trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ, duy trì thực thi pháp luật ở trên biển, cũng như gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán quốc gia. Luật là những hành lang pháp lý cao nhất để lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt các nhiệm vụ.
"Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia bằng pháp luật hòa bình. Qua đó, xây dựng vùng biển Việt Nam, vùng biển quốc tế hòa bình, hợp tác và phát triển" - Thiếu tướng Trần Văn Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, từ khi Luật Cảnh sát biển ra đời, lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức tốt vấn đề thực hiện luật. Trong đó, đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, ngư dân về Luật Cảnh sát biển Việt Nam để mọi người hiểu pháp luật và chấp hành, phối hợp tối với Cảnh sát biển để phòng chống tội phạm và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Viêt Nam bằng các pháp luật, hòa bình.
Bình luận (0)