Đơn cử trường hợp một cô gái bị đối tượng không quen biết "đè" ra hôn trong thang máy, bất chấp sự phản đối của nạn nhân. Khi báo chí lên tiếng, chính quyền vào cuộc, đối tượng này cam kết xin lỗi công khai nhưng cả 2 lần cơ quan chức năng tổ chức thì đều vắng mặt. Cuối cùng, hành vi của đối tượng này chỉ bị xử phạt hành chính với mức 200.000 đồng. Mức xử phạt dù đúng quy định nhưng chẳng có một chút ý nghĩa răn đe, phòng ngừa chung nào cho xã hội; ngược lại, còn tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ làm rối loạn trật tự, đạo đức xã hội.
Đầu tháng 3-2019, một thầy giáo chủ nhiệm lớp 5A Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị tố cáo dâm ô hàng loạt học sinh nữ tại trường sau khi uống rượu. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng huyện này lại kết luận chưa đủ căn cứ chứng minh thầy giáo này có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi vì chỉ véo tai, véo mũi, sờ mông, sờ đùi một số học sinh (?!).
Từ trước đến nay, việc điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục của các cơ quan chức năng luôn gặp khó khăn do chứng cứ yếu, ít trường hợp bắt quả tang mà hầu hết là án truy xét. Hơn nữa, nạn nhân là phụ nữ, trẻ em thường có tâm lý xấu hổ, không muốn người khác biết việc mình bị xâm hại.
Mức xử lý đối với những vụ nêu trên bị dư luận phản ứng, có thể nhìn từ hai phía: Thứ nhất, một số chế tài của pháp luật chưa nghiêm như hành vi quấy rối tình dục. Hiện nay, pháp luật không xem hành vi quấy rối tình dục là phạm tội. Hành vi này chỉ bị chế tài theo quy định tại Nghị định 167 với mức xử phạt cao nhất là 300.000 đồng. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần kiến nghị đưa hành vi quấy rối tình dục là tội phạm nằm trong nhóm tội xâm hại tình dục. Trước khi chờ sửa đổi Bộ Luật Hình sự thì Chính phủ cần xem xét, sửa ngay Nghị định 167 theo hướng nâng mức xử phạt hành vi quấy rối tình dục, không thể để mức chế tài quá nhẹ như hiện nay.
Thứ hai, xét về góc độ áp dụng pháp luật. Thời gian qua, đã có tình trạng cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật chưa nghiêm, thậm chí là tùy tiện khi xử lý đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục, nhất là nạn nhân trẻ em. Bởi lẽ, sau những vụ xử lý quá nhẹ, dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc, cũng với hành vi đó nhưng những kẻ đồi bại bị xử lý nghiêm khắc.
Nhưng dù pháp luật chưa chặt chẽ hay lương tâm, đạo đức công vụ có vấn đề thì những sự việc vừa qua cho thấy kẻ thực hiện hành vi quấy rối tình dục và người thực thi công vụ như đang bỡn cợt pháp luật.
Bình luận (0)