Sáng 16-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Nhiều đại biểu (ĐB) đã bày tỏ quan ngại trước thực trạng sử dụng rượu, bia hiện nay và những hệ lụy do rượu, bia gây ra.
Đừng nhân danh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết từ năm 2014-2016, mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể thì ở Việt Nam tăng gấp đôi, tổn thất từ tai nạn giao thông do rượu, bia khoảng 250 tỉ đồng và gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội.
Theo vị ĐB tỉnh Bình Dương, dù bia, rượu dẫn đến nhiều bệnh tật nhưng quảng cáo bia, rượu hấp dẫn người nghe như: "hào khí ngàn năm", "chung một đam mê", "chất men thành công" hay "nâng ly vì trí lớn"… "Những lời đó đã cố tình quên đi các vụ thảm án, tai nạn giao thông, bạo hành… cũng từ rượu, bia mà ra" - ĐB Nhân bày tỏ và đề nghị cấm quảng cáo bia, rượu trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân, tỉnh Bình Dương, đề nghị cấm quảng cáo bia, rượu trên tất cả phương tiện truyền thông, mạng xã hội Ảnh: ĐÌNH NAM
ĐB Phạm Trọng Nhân khẳng định thật khó mà tự hào với vị trí dẫn đầu Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về tiêu thụ rượu, bia của chúng ta; mỗi năm bia, rượu tổn thất ít nhất 1,3% GDP quý giá của quốc gia. Ông Nhân cho rằng ngành công nghiệp rượu, bia biện minh cho sự phát triển kinh tế và giải quyết việc làm… là điều khiên cưỡng khó chấp nhận, chưa kể kéo theo hậu quả nặng nề cho xã hội từ sử dụng rượu, bia.
ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề nghị lấy tên gọi là "Luật Kiểm soát đồ uống có cồn" hoặc "Luật Phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn", bởi nếu như dự thảo luật, chẳng khác nào khẳng định rượu, bia hoàn toàn có hại, từ đó gây ra hiểu lầm không đáng có. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng ĐB Chiểu hơi nhầm với tên dự án luật bởi dự án luật không phải là cấm rượu, bia mà chỉ là phòng tác hại của rượu, bia.
Chọn sức khỏe hay 50.000 tỉ đồng mỗi năm?
Không đồng tình với một số ĐBQH phát biểu trước đó, ĐB Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh phản biện và tranh luận là cần thiết, nhưng đến mức cho rằng nếu luật ra đời khai tử ngành rượu, bia thì hãy tự đặt mình vào gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực bạo hành. Ông Nhân bày tỏ: "Hãy thử một lần lắng nghe tiếng khóc của vợ mất chồng, con mất cha do tai nạn giao thông từ rượu gây ra thì mới có sự sẻ chia với đau thương của những người ở lại. Chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe nhân dân hay 50.000 tỉ đồng mỗi năm? Nhưng tổn thất do nó để lại lên đến 65.000 tỉ đồng. Như thế có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước? Vậy mà không ít người lại cổ xúy là văn hóa uống". Theo ông Nhân, luật phải được xây dựng chặt chẽ, không có những cài cắm lợi ích qua việc đánh tráo khái niệm bởi những tổn thất từ tác hại của bia, rượu lên xã hội là quá lớn so với lợi ích mang lại.
Theo ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang), tác hại của rượu, bia đối với con người và xã hội đã được kiểm chứng bằng các số liệu khoa học và thực tiễn không còn tranh cãi. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng nên tăng thuế để hạn chế tiêu thụ rượu, bia và cần đồng bộ với việc kiểm soát nghiêm ngặt và giảm việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu thủ công, rượu lậu.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần xây dựng luật và những nội dung khi ban hành chính sách là cái nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm. Theo bà Tiến, phải đặt lên bàn cân giữa cái lợi về kinh tế và cái lợi về an sinh xã hội, sức khỏe con người.
Phải cấm ép uống rượu, bia
Theo ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) và nhiều ĐB khác, việc ép người khác uống rượu, bia là hành động thiếu văn hóa, phản cảm, gây nên những hậu quả không đáng có. Vì vậy, đề nghị cần quy định cấm ép uống rượu, bia ở tất cả thành phần, các lứa tuổi chứ không chỉ dưới 18 tuổi. ĐB cũng đồng tình với quy định không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.
Bình luận (0)