Ngày 8-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) họp cho ý kiến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Hai loại ý kiến về thi THPT
Trình bày báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH về dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết về thi tốt nghiệp THPT, Luật Giáo dục hiện hành quy định "học sinh học hết chương trình THPT, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp
Ông Bình cho biết về vấn đề này có 2 loại ý kiến. Loại thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông (GDPT) của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Loại ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.
Ông Bình cho biết Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ủng hộ luồng ý kiến thứ nhất.
Cần nghiên cứu kỹ
Tại phiên họp, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói thẳng là vừa qua, kỳ thi THPT giao cho địa phương tổ chức đã cho thấy những phức tạp trong khi cả 2 phương án đưa ra xin ý kiến vẫn chưa rõ hướng nào. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng, cần xin thêm ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học một cách thận trọng để quyết sách cho trúng.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói ngay cơ quan thẩm tra dự án cũng nêu ra 2 luồng ý kiến là có tổ chức kỳ thi THPT và không tổ chức thi. Theo ý kiến cử tri, việc tổ chức kỳ thi THPT tốn kém chỉ nhằm lọc ra 2%, có năm trên 1% thì có nên tổ chức không hay là chỉ xét học lực?
Trưởng Ban Dân nguyện cho biết trước đây, kỳ thi ĐH là kỳ thi nghiêm túc nhất nhưng theo Luật Giáo dục (sửa đổi) thì chỉ có kỳ thi THPT: "Vậy làm thế nào để kỳ thi THPT chọn được 98% học sinh tốt nghiệp và thực hiện được kỳ thi nghiêm túc cho việc xét chọn đầu vào ĐH". Trưởng Ban Dân nguyện nói thêm cử tri và bản thân bà thấy từ sự nghiêm túc của kỳ thi ĐH trước đây thì một số trường ĐH có thể tổ chức thêm một kỳ thi để tuyển sinh đầu vào.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình với đề nghị cân nhắc thêm phương án để các trường ĐH có thêm một kỳ thi. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đặt vấn đề trước đây kinh tế đất nước khó khăn đủ thứ nhưng kỳ thi rất tốt mà nay lại cứ "trục trặc". "Dự luật cần nghiên cứu thật kỹ để giáo dục ổn định chứ năm nào cũng có thay đổi..." - ông Lưu chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nói việc có 2 luồng ý kiến đã khẳng định đây là vấn đề tác động đến xã hội rất lớn. Vì vậy, cần lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân để khả thi hơn và nhân dân đồng tình, đánh giá cao quyết định của QH. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự luật vẫn đưa ra cho ý kiến vào kỳ họp QH thứ 6 (tháng 10-2018), sau đó QH giao Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để hoàn thiện và lùi lại thông qua vào kỳ họp QH thứ 7, tháng 5-2019. "Đây là vấn đề lớn, tác động, ảnh hưởng đến mỗi gia đình nên làm luật cần thấu đáo và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân giống như làm Luật Đất đai trước đây được thông qua quy trình 3 kỳ họp" - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết tiếp thu ý kiến để hoàn thiện luật và xin được QH cho ý kiến và thông qua luật tại kỳ họp QH thứ 7. Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng chốt lại Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ không thông qua tại kỳ họp thứ 6 như dự kiến để hoàn thiện dự thảo thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 5-2019.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.
Bảo đảm tính lâu dài
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là luật chuẩn bị theo hướng chuẩn bị một số điều nhưng sau này thành luật sửa đổi nên ảnh hưởng tới toàn bộ phạm vi điều chỉnh. Đây là luật quan trọng lâu dài, cần lấy ý kiến trong toàn xã hội. Đơn cử như GDPT, các dịch vụ công thiết yếu thì nhà nước phải bảo đảm, còn lại là xã hội hóa. Nhưng thực tế hiện nay các trường chất lượng cao đều là trường công cả. Do đó cần xác định làm sao cho bảo đảm tính lâu dài và rất tích cực mới thấu đáo để trình ở kỳ họp QH thứ 7.
Bình luận (0)