Tình trạng lún ở TP HCM đã được cảnh báo từ nhiều năm qua, dù nhiều giải pháp để hạn chế đã được thực hiện nhưng thực tế lún vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Tốc độ lún sụt nhanh khiến các ban, ngành chức năng của TP đặt ra nhiều lo ngại.
Những con số gây giật mình
Nghiên cứu quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TP HCM do TS Lê Văn Trung và Hồ Tống Minh Định thực hiện đã đưa ra con số giật mình. Khu vực các quận 2, 7 và Bình Thạnh, bề mặt đất lún biến dạng khoảng hơn 20 cm. Thấp hơn là mức biến dạng lún 15 - 20 cm ở quận 1, 3, 4, 5, 8, 9, 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh; khu vực biến dạng lún 10 - 15 cm ở các quận 6, 10, 11, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Huyện có mức biến dạng bề mặt ít nhất là Hóc Môn với mức lún 5 - 10 cm.
Tình trạng lún mặt đất khiến nhiều tuyến đường ở TP HCM đã ngập càng thêm ngập Ảnh: GIA MINH
Báo động hơn là nghiên cứu "Tính toán thành phần lún do khai thác nước ngầm theo tài liệu địa chất thủy văn - địa chất công trình ở TP" của TS Tạ Thị Thoảng, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, thực hiện đã dự báo ở khu vực trung tâm TP nếu duy trì khai thác nước ngầm như giai đoạn 1999-2009 thì lún do khai thác nước ngầm cộng dồn lớn nhất cho các năm 2020, 2040 và 2100 lần lượt là 63,8 cm, 85,2 cm và 97,6 cm.
Còn kết quả nghiên cứu đo đạc sụt lún đất do Bộ TN-MT thực hiện trong giai đoạn 2014, 2015 và 2017 với 339 mốc đo ở TP và ĐBSCL so với giá trị cao độ đo năm 2005 cho thấy 306 mốc lún, 33 mốc không lún hoặc nâng. Trong 306 mốc lún, mức độ lún biến đổi từ 0,1 - 81,4 cm, trung bình 12,3 cm. Mức độ lún nhất ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TP với 81,4 cm. Điều đáng lo ngại là lún đang diễn ra với tốc độ cao, như phường An Lạc khoảng 6,8 cm/năm.
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ TN-MT, nói có 2 nhóm nguyên nhân gây lún. Một là, do tự nhiên, gồm sụt lún do yếu tố địa chất (sụt lún này có thể xảy ra không đều, theo các khối địa chất, thậm chí có khối địa chất còn nâng lên), lún do yếu tố địa kỹ thuật (các lớp đất sét yếu dần bị nén chặt) - đây là vấn đề không thể đảo ngược nhưng đang giảm dần. Hai là, yếu tố nhân tạo như suy giảm phù sa, hoạt động xây dựng công trình tập trung; độ rung do hoạt động giao thông vận tải; khai thác nước dưới đất quá mức.
Đe dọa hạ tầng đô thị
PGS-TS Lê Văn Trung, Chủ nhiệm Bộ môn Hệ thống thông tin TN-MT Trường ĐH Bách khoa, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ TP, nhận định hiện tượng sụt lún mặt đất đã góp phần gia tăng tình trạng ngập lụt đô thị, một số tuyến đường được xây dựng cao hơn mực nước triều nhưng vẫn cứ ngập vì bị lún đất. Ông cho rằng dù theo quy định, cao độ nền hiện nay trên địa bàn TP là 2 m nhưng trong khu vực nội thành vẫn còn nhiều tuyến đường có cao trình dưới 1,6 m. Các công trình giao thông và khu vực dân cư mới được xây dựng có cao độ nền dưới 2 m do tham chiếu độ cao mốc quốc gia đã bị lún để làm số liệu gốc thi công. Thực tế, độ cao mốc bị hạ thấp từ 0,3 m đến 0,5 m so với số liệu được cấp nên ảnh hưởng rất lớn giữa thiết kế và thi công các công trình.
Theo PGS-TS Lê Văn Trung, cao độ nền ngày càng thấp đi do ảnh hưởng lún mặt đất, kết hợp với mức thủy triều ngày càng dâng cao (triều cường đạt đỉnh gần 1,7 m) do biến đổi của khí hậu. Vì vậy, những hậu quả của hiện tượng lún mặt đất là khôn lường. Đơn cử, đối với các công trình xây dựng dân dụng hay hạ tầng, không chỉ ngốn rất nhiều chi phí chống lún, đáng lo hơn là chất lượng công trình và sự an toàn của những người sử dụng công trình. "Do đó, để chống ngập cho TP - vấn đề được nhiều người quan tâm - trong điều kiện lún ngày càng báo động, đòi hỏi tiêu chuẩn thoát nước và chống ngập phải tính đến ảnh hưởng đồng thời của sự hạ thấp mặt đất và sự dâng cao của mực nước biển. Quy hoạch thoát nước cần xác định chính xác hiện trạng cao độ nền, vùng ngập liên quan triều cường, để có giải pháp phòng chống hiệu quả" - PGS-TS Lê Văn Trung nhấn mạnh.
Bắt đầu trám lấp giếng khoan
Bộ TN-MT nhìn nhận đối với các vùng có mức độ lún cao trên 10 cm thì mật độ khai thác nước ngầm lớn (111 m3/ngày/km2). Đối với các vùng lún dưới 5 cm và từ 5-10 cm thì mật độ khai thác lại có xu hướng ngược lại là 65 so với 58 m3/ngày/km2. Tuy nhiên, nếu xét cụ thể tại một số khu vực với phạm vi nhỏ thì một số nơi có mật độ khai thác nước ngầm rất lớn như các quận: 12, Tân Phú; Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp và huyện Hóc Môn có mật độ khai thác 3.650 m3/ngày/km2.
Trong khi đó, theo thống kê, TP có khoảng 100.000 giếng khoan cung cấp một lượng nước khá lớn. Chính vì thế, từ đầu tháng 6-2019, TP bắt đầu trám lấp một số giếng khoan của người dân thay thế bằng nguồn nước sạch.
Công ty CP Cấp nước Gia Định cho biết đang phối hợp với lãnh đạo các địa phương trên địa bàn, vận động người dân trám lấp giếng khoan, sử dụng nước máy. Công ty sẽ vận động khoảng 2.000 hộ dân trám lấp giếng khoan và năm sau con số này sẽ là 3.000 hộ. Năm năm tiếp theo, từ 2021 - 2025, công ty sẽ vận động 12.000 hộ dân thôi dùng giếng khoan để chuyển qua sử dụng nước sạch.
Kịch bản cần lưu tâm
Theo kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ TN-MT xây dựng thì đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng thêm từ 70 - 100 cm, gần 18% diện tích TP HCM sẽ bị ngập. Thế nhưng, do hiện tượng lún nền đất, diện tích ngập có thể tăng cao hơn con số này. Đồng thời, tại các khu vực gần biển, việc khai thác nước ngầm quá mức còn gây ra xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước, tác động tiêu cực đến cây trồng...
Bình luận (0)