Ngày 1-8, các điểm trông giữ ôtô trên hơn 20 tuyến đường ở TP HCM thuộc các quận 1, 5 và 10 bắt đầu áp dụng thu phí theo giờ. Theo ghi nhận, nhiều bãi đỗ xe trên các tuyến đường Lê Lai, Phan Chu Trinh (quận 1); An Dương Vương, Lê Hồng Phong (quận 5)…, trống chỗ khá nhiều, trái ngược với cảnh ôtô xếp kín mít vào thời điểm trước đó.
Vắng xe vì bất tiện
Tại các bãi đỗ xe trên, nhân viên Viettel - đơn vị cung cấp công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí - có mặt từ sớm và tích cực hỗ trợ thông tin, hướng dẫn các thao tác cho tài xế đặt xe. Tuy nhiên, hầu hết người tới gửi và thậm chí cả nhân viên giữ xe tại những bãi đỗ này vẫn còn lúng túng với các việc đặt chỗ cũng như cách thanh toán.
Bãi giữ xe trên đường Lê Lai trống chỗ khá nhiều trong ngày đầu áp dụng mức phí mới
Theo hình thức thu phí mới, người gửi ôtô phải cài đặt ứng dụng My Parking, sử dụng số điện thoại của mình để đăng ký, từ đó đặt chỗ và thanh toán. Việc trả phí thông qua ứng dụng này thực hiện qua Viettel Pay (tích hợp trong ứng dụng), giúp thanh toán bằng thẻ nội địa hoặc quốc tế. Riêng trường hợp lái xe không có điện thoại thông minh, nhân viên bãi đỗ sẽ hỗ trợ đăng ký một mã đặt chỗ và khi hết giờ gửi, tài xế thanh toán bằng cách soạn tin nhắn SMS gửi đến đầu số 1008, phí trừ vào tài khoản điện thoại. Tuy nhiên, trong ngày đầu áp dụng, đầu số 1008 chỉ thực hiện được đối với các thuê bao di động của Viettel, còn những thuê bao khác phải thông qua hình thức thu hộ từ nhân viên của bãi đỗ.
Đáng nói trong ngày đầu thực hiện, hầu hết các tài xế đều "rối" từ cách cài đặt ứng dụng, việc tính thời gian gửi cho đến cách tính phí nếu trường hợp không có điện thoại thông minh hoặc không có thẻ thanh toán. Ngoài rối với cách cài đặt ứng dụng, nhiều tài xế đã quay đầu xe bỏ đi và cho rằng giá giữ ôtô dưới lòng đường tính theo giờ hiện quá cao, thậm chí cao hơn một số bãi giữ xe tại các trung tâm thương mại, cao ốc gần đó. "Lái xe riêng cho sếp nên tôi không chủ động được thời gian để đặt chỗ. Hơn nữa, biên lai tính phí không có dấu đỏ, không có mã số thuế nên khoản tiền gửi xe sẽ không được công ty trả lại. Với mức phí hiện nay, trung bình mỗi tháng tôi phải mất từ 4-5 triệu đồng tiền gửi xe nên phải tìm bãi đỗ khác có chi phí thấp hơn" - anh Trương Thanh Tùng, tài xế ôtô 7 chỗ, phàn nàn.
Trong khi đó, cũng từ ngày 1-8, khu vực nội thành bắt đầu tăng thời gian cấm xe tải dưới 2,5 tấn từ 6 giờ đến 9 giờ, thay vì chỉ đến 8 giờ như trước. Vì vậy, nhiều tài xế sau khi giao nhận hàng bị rơi vào thời điểm cấm xe lưu thông thì tìm tới các bãi giữ xe dưới lòng đường. Tuy nhiên, khi được thông báo việc đỗ xe áp dụng mức phí và hình thức thu mới, nhiều người tỏ ra bất ngờ và bỏ đi nơi khác. "Tôi thường giao hàng từ 7 giờ đến 8 giờ - thời điểm các cửa hàng, công ty bắt đầu làm việc. Tuy nhiên, giao hàng xong lại rơi vào thời điểm cấm xe nên tôi phải tìm đỗ xe tạm. Trước đây, việc gửi xe ở những bãi dưới lòng đường chỉ tính 5.000 đồng/lượt, còn như hiện mức giá tăng gấp nhiều lần nên có thể tôi phải cho xe đậu liều ở các tuyến đường khác" - tài xế xe tải Phạm Hữu Hậu nói.
Người trong cuộc nói gì?
Theo nhân viên trông giữ xe tại các bãi đỗ, phí gửi được tính theo giờ nên trường hợp tài xế đỗ xe quá thời gian, hệ thống sẽ mặc định tính phí thêm. Vấn đề này khiến các nhân viên lúng túng bởi bị tài xế phản ứng. Các nhân viên cũng cho biết đáng lẽ họ phải được tập huấn và hướng dẫn sử dụng ứng dụng nhiều lần trước khi áp dụng. Tuy nhiên, phải đến 21 giờ tối 31-7, nhân viên các bãi đỗ mới được thông báo và nhận thiết bị cầm tay lúc 6 giờ sáng 1-8 để thực hiện thu phí. Chưa kể, nhiều trường hợp đỗ xe trước giờ gửi, tài xế không đặt chỗ và đến lúc lấy xe ra về, nhân viên bãi đỗ cũng không biết xử lý thế nào. Đơn cử như trên đường Lê Lai sáng 1-8, có trường hợp đỗ xe trước 6 giờ nhưng tới gần 10 giờ, tài xế mới tới lấy xe. Nhân viên tại đây chỉ có thể xác định là ôtô vi phạm giờ gửi, chụp ảnh để lưu giữ, báo cáo. Bi hài hơn, có nhiều trường hợp tài xế cho xe vào nhưng không đồng ý gửi mà ngồi uống nước, nói chuyện trong khoảng 20 phút. Tuy nhiên nhân viên giữ xe không có thẩm quyền xử lý.
. Nhân viên bãi đỗ xe trên đường Lê Lai (quận 1) giải đáp các thắc mắc cho tài xế tới gửi xe
"Hơn chục năm tôi giữ xe và ghi phiếu cho khách nên giờ sử dụng điện thoại thông minh để đặt chỗ và in biên lai không quen. Trong khi đó, chưa kể đối với người gửi mà ngay cả chúng tôi, công tác chuẩn bị, tập huấn việc thu phí theo hình thức mới rất hạn chế nên hiện chưa thành thạo" - ông Phạm Minh Quang, nhân viên giữ xe trên đường Phan Chu Trinh, nói.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, hiện sở đang tiếp tục tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền về dịch vụ này, về lâu dài sẽ thực hiện hoàn toàn qua các thiết bị di động, thanh toán điện tử chứ không có thu hộ như hiện nay. "Trong quá trình triển khai, các đơn vị tiếp tục hoàn thiện công nghệ, thiết bị và công tác quản lý nhằm tổ chức hiệu quả hơn như có thêm chức năng nhận diện biển số, cảm biến ghi nhận có xe… Đồng thời, Sở GTVT sẽ tiếp tục cập nhật, hoàn chỉnh các chức năng quản lý giám sát, điều hành thực hiện công tác thu phí đỗ xe, làm cơ sở để triển khai công tác đấu thầu dịch vụ thu phí, dự kiến hoàn thành trong quý I/2019" - ông Đường thông tin.
Ôtô "chui" vào cao ốc, trung tâm thương mại
Ghi nhận ở một số tuyến đường xung quanh những bãi giữ ôtô thu phí theo giờ vào ngày 1-8, không nổi lên tình trạng xe đậu tràn lan dưới lòng đường do hầu hết là các tuyến cấm dừng đậu. Đa số các trường hợp không gửi xe ở những bãi đỗ dưới lòng đường có thu phí chọn nơi gửi là tầng hầm các trung tâm thương mại, cao ốc xung quanh. Bởi giá giữ xe ở nhiều cao ốc khu trung tâm còn rẻ hơn so với giá đỗ xe dưới lòng đường và quan trọng là xe không hứng nắng, mưa.
Mức phí áp dụng tối thiểu từ 20.000 - 25.000 đồng/xe/giờ, thay vì chỉ 5.000 đồng/xe/lượt như trước. Mức phí áp dụng cho các loại ôtô từ 16 chỗ ngồi trở xuống hoặc xe tải có tải trọng từ 1,5 tấn đến không quá 2,5 tấn.
Bình luận (0)