Dẫu đã hơn 650 năm kể từ khi tác giả của "Tứ thư thuyết ước" và "Thất trảm sớ" qua đời, hậu thế vẫn nhớ chuyện ông và những người học trò đỗ đạt cao, trở thành đại quan như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Trong các mẩu chuyện đó, hình ảnh những quan đại thần giản dị và cung kính khi đáo gia thăm thầy cũ - lúc này đã là ông giáo làng ẩn dật - có sức sống trường tồn, bởi hàm chứa thông điệp cao cả, đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta: tôn sư trọng đạo.
Thời phong kiến xa xưa, trong "tam cương, ngũ thường", người thầy xếp sau vua, trước cha (quân, sư, phụ). Bây giờ, dù xã hội đã thay đổi rất nhiều song người thầy vẫn giữ vị trí trang trọng trong đời sống. Ý niệm "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hay dân dã hơn là "không thầy đố mày làm nên" nói lên điều đó.
Vì sao xã hội suy tôn người thầy? Là bởi trọng sự học, trọng lễ nghĩa. Sự học chính là nền tảng của sự phát triển. Lễ nghĩa còn được hiểu là kỷ cương, kỷ luật. Có quốc gia nào coi thường học và lễ mà hưng thịnh? Có đất nước nào phát triển nhanh và vững bền mà không dựa trên nền tảng giáo dục tiên tiến và pháp luật văn minh? Chính "Vạn thế sư biểu" - thầy Chu Văn An từng tâu với vua Trần Minh Tông: "Thần đọc sách, chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được".
Hẳn nhiên, trong sự học, vai trò của người thầy là cốt lõi, là tiên phong, quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Và thầy giỏi không tự nhiên mà có, có nhiều thầy giỏi càng là chuyện khó, vậy phải làm sao? Câu trả lời nằm ở chế độ đãi ngộ đối với người thầy và chất lượng các trường sư phạm - nơi đào tạo giáo viên. Đến bây giờ, nhà giáo chưa thật sự sống được bằng lương và mặt bằng điểm đầu vào của phần lớn các trường sư phạm vẫn chưa cao. Hai yếu tố này được Đảng và nhà nước quan tâm, đầu tư thường xuyên để nâng dần lên song vẫn chưa xứng tầm. Không riêng các thầy cô giáo, cả xã hội cũng đang đau đáu với những vấn đề ấy.
Giữa bao lo toan thường nhật, đội ngũ nhà giáo của cả nước nhìn chung vẫn yêu nghề và tận tâm cống hiến. Thật cảm phục những thầy cô giáo không quản khó nhọc xung phong về vùng cao, vùng xa để mang cái chữ đến cho trẻ em nghèo, vừa dạy học vừa tham gia sản xuất. Những đợt thiên tai vừa qua ở miền Trung, rất nhiều người thầy đã xả thân cứu người. Họ tạm quên đi việc riêng tư để dành hết thời gian và tâm sức cho nghề, cho học trò. Thật đáng quý biết bao!
Nghề dạy học được xem là nghề cao quý nhất trong xã hội. Xưa đã vậy và nay cũng thế, cho nên truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn mãi tuôn chảy. Đáp lại sự tôn kính của xã hội, về phía người thầy cũng phải luôn trau dồi cả tài và tâm. Có nhiều người thầy xuất sắc chắc chắn sẽ đào tạo được nhiều thế hệ giỏi giang. Đất nước, dân tộc "sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không" có phần đóng góp quan trọng của người thầy, như lịch sử đã đúc kết: Lương sư - hưng quốc.
Bình luận (0)