Đứng trong "tổ ấm" mới của những chú heo vừa tuyển chọn về để tập luyện trở thành các chiến binh trên đường đua mùa Tết năm nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu, nhân viên chăm sóc, âu yếm ôm một chú heo nhỏ vào lòng. Kể về quá trình huấn luyện những chú heo tưởng chừng chỉ biết ăn xong rồi lăn ra ngủ trở thành các chiến binh thực thụ trên cung đường đua, bà Giàu trở nên rất hào hứng.
"Heo đua được chọn từ giống Yorkshire - còn gọi là heo trắng lớn, heo Đan Mạch - có nguồn gốc từ Anh. Giống heo này thường có mình dài, đầu nhỏ, lưng thẳng, ngực nở, mông tròn, chân chắc khỏe, bụng gọn… Bất kể heo đực hay heo cái, miễn con nào đạt được những tiêu chí này thì đều có thể được huấn luyện trở thành chiến binh trên đường đua. Heo con được bán cho người dân mua về nuôi. Khi chúng được khoảng 2,5 tháng tuổi, người của Làng Du lịch Mỹ Khánh sẽ đến chọn mua lại để mang về huấn luyện thành heo đua" - bà Giàu cho biết.
Trong tiếng reo hò của người xem, 5 chú heo đua tranh nhau chạy về đích
Với kinh nghiệm 9 năm chăm sóc và huấn luyện heo đua, bà Giàu tiết lộ khi mới mua về, những chú heo tỏ ra rất sợ sệt vì chưa quen nơi ở mới. Do đó, bà cùng một nữ nhân viên khác tiếp cận và chăm sóc chúng "chẳng khác nào con ruột của mình".
Khi heo đã quen chỗ quen người, bà Giàu bắt đầu tập đi tập lại cho chúng nhận biết để vào từng ô đua; tập khi mở cửa ô đua, gõ vào thanh sắt tạo thành tiếng thì chúng phải chạy về phía trước - nơi đặt máng thức ăn. Nếu con nào ngờ nghệnh hoặc lười nhác, không chịu chạy thì bà Giàu… dùng tay đẩy cho chúng di chuyển về phía trước. Cứ thế quen dần nhưng cũng phải mất khoảng 20 ngày sau, những chú heo này mới có thể biết phía trước có máng thức ăn. Khi đó, chỉ cần mở cửa ô đua là chúng… tranh nhau chạy.
"Lúc đầu mới chạy đua, heo còn rất nhút nhát khi thấy đông người đứng xem. Vì thế, chúng tôi chỉ cho những chú heo mới biết đua này xung trận vào ngày ít khách để quen dần, sau đó mới cho chúng đua vào ngày cuối tuần đông khách hơn" - ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh, tiết lộ.
Theo ông Sáng, trò đua heo lạ lẫm này ra đời tại Làng Du lịch Mỹ Khánh vào năm 2008, sau khi ông sang Thái Lan học hỏi kinh nghiệm chọn giống và huấn luyện. Ngày thường, Mỹ Khánh tổ chức 3 suất đua, ngày lễ hoặc Tết thì 4 suất.
"Để những chiến binh heo giữ dáng thon gọn phục vụ việc đua, chúng sẽ được cho ăn vừa phải vào ban ngày. Ngoài thức ăn dạng viên, heo đua còn ăn thêm tấm và cám nấu chín kèm rau xanh. "Tổ ấm" của heo đua phải được dội rửa thường xuyên cho sạch sẽ, tối ngủ phải mắc mùng để tránh bị muỗi chích. Chỉ sau suất đua cuối cùng lúc 15 giờ mỗi ngày, chúng mới được phép ăn thả ga để ngủ ngon giấc, giữ sức cho ngày đua hôm sau" - bà Giàu thông tin.
Do đã được tập làm quen với giờ đua nên mỗi khi nghe nhân viên bật loa thông báo bán vé trúng thưởng (20.000 đồng/vé) và cuộc đua chuẩn bị bắt đầu, những chiến binh heo đang ngủ đều bật dậy, tranh nhau ra khỏi chuồng để bước vào từng ô trong 5 ô đua. Trong tiếng reo hò của người xem, 5 chú heo cong đuôi tranh nhau chạy về đích sau khi cửa ô đua được mở. Với đường chạy hơn 40 m, thường chỉ một chú heo về nhất. Khách hàng may mắn mua trúng số heo về nhất sẽ được tặng thưởng một chú heo đất màu vàng - tượng trưng cho sự may mắn.
Vì thường xuyên chạy nhanh nên đôi lúc các chú heo đua không tránh khỏi chấn thương, thường là trẹo giò. Khi rơi vào trường hợp này, heo đua sẽ được cho nghỉ ngơi dài ngày để chăm sóc, qua khỏi sẽ tiếp tục đua. Trường hợp gặp "vận đen", nếu vết thương không khỏi hoặc lâu lành, chúng sẽ bị "hóa kiếp".
Dù chạy giỏi hay dở, sau khoảng 3 tháng - trọng lượng đạt khoảng 60 kg, những chú heo sẽ vĩnh biệt đường đua. Với trọng lượng này, heo sẽ phục phịch, không còn sức dẻo dai để chạy nữa, đành lui về ăn thúc đợi ngày xuất bán ra thị trường xẻ thịt, nhường đường đua lại cho những chiến binh trẻ tuổi. Quy luật "tre già, măng mọc" là thế!
Bình luận (0)