Ngày 4-5, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, đã ký công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng về việc phản đối phía Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông năm 2020.
Quy chế vô giá trị
Hội Nghề cá Việt Nam cho biết theo quy chế của Trung Quốc, phạm vi cấm đánh bắt bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-5 đến 16-8-2020.
"Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan. Gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập 2 cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" nhằm kiểm soát phi pháp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam" - công văn của Hội Nghề cá nêu rõ.
Kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh: "Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình".
Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc; đồng thời kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, yên tâm bám biển, đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ngư dân Quảng Ngãi vẫn ra khơi đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp sự ngang ngược của Trung Quốc Ảnh: TỬ TRỰC
Tăng cường bảo vệ ngư dân
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 4-5, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết năm nào Trung Quốc cũng có hành động phi lý khi đưa ra quy chế cấm đánh bắt cá ở biển Đông, trong đó có các vùng biển Việt Nam.
"Hội Nghề cá Việt Nam phản đối kịch liệt điều đó. Điều quan trọng là chúng ta không thực hiện những điều họ đưa ra. Ngư dân chúng ta vẫn ra khơi, chẳng có gì phải ngại. Hội Nghề cá đã đề nghị các lực lượng bảo vệ ngư dân như Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, Hải quân tăng cường bảo vệ ngư dân trong những ngày này và thực tế các lực lượng này đang bảo vệ ngư dân mình rất tốt" - ông Lăng khẳng định.
Không nao núng, sợ hãi!
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết với quy chế cấm đánh bắt cá ngang ngược của Trung Quốc, ngư dân xã Bình Châu xem nó vô giá trị và vẫn ra khơi đánh bắt bình thường. "Ở xã Bình Châu có hơn 100 tàu cá cùng hàng ngàn ngư dân ngày đêm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là ngư trường truyền thống ngàn đời nay rồi. Dù Trung Quốc có thế nào chúng tôi vẫn bám Hoàng Sa, Trường Sa" - ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết hiện tất cả ngư dân vẫn ra khơi như thường lệ. "Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải có gần 100 tàu với hơn 700 ngư dân thường xuyên bám biển Hoàng Sa và Trường Sa. "Từ khi Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá phi lý, tất cả các tàu này vẫn ra khơi đánh bắt bình thường, không nao núng, sợ hãi" - ông Chinh quả quyết.
Lộ mưu đồ của Trung Quốc
Giới chuyên gia nhận định các hoạt động gần đây của Trung Quốc, bao gồm cấm đánh cá, thực chất là ngang ngược mở rộng các công cụ thực thi pháp luật của họ ra các khu vực trên biển Đông.
Theo bài viết của South China Morning Post, những hành động trên của Trung Quốc ngày càng gây khó chịu vì chúng đã vượt khỏi khuôn khổ xây dựng đảo và quân sự hóa trái phép trên biển Đông. Tham vọng kiểm soát biển Đông của Trung Quốc thể hiện ở 2 lĩnh vực đánh bắt cá và khai thác năng lượng.
Trước khi ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông, hôm 1-4, lực lượng tuần duyên Trung Quốc còn phát động chiến dịch mang tên "Biển Xanh 2020" kéo dài 8 tháng với mục đích "trấn áp các sai phạm trong thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi" cũng như hoạt động xây dựng hàng hải và ven biển. Theo South China Morning Post, cho đến nay, Trung Quốc chỉ thực hiện hoạt động trấn áp ở phạm vi trong nước nhưng các nhà ngoại giao và chuyên gia trong khu vực tin rằng động thái mới nhất hôm 1-4 có thể được mở rộng ở biển Đông.
Những hành động lấn lướt của Trung Quốc được một nhà ngoại giao châu Á tiết lộ là gây quan ngại cho quốc gia của ông, nhất là khi nhiều quốc gia khác (bao gồm Mỹ) đang chật vật chiến đấu với Covid-19.
Mục tiêu sâu xa của Trung Quốc, theo giới quan sát, không gì ngoài áp đặt yêu sách chủ quyền của họ ở biển Đông. Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Singapore), bình luận: "Trung Quốc dường như đã vượt ra khỏi trọng tâm chính là xây dựng các thực thể trên biển và thúc đẩy các hoạt động liên ngành với sự tham gia của nhiều cơ quan trong nước. Đây là khía cạnh mà các nước ASEAN khác vẫn còn yếu".
Bị Trung Quốc chĩa mũi dùi trong những tháng vừa qua là Malaysia, sau khi nước này nỗ lực thăm dò năng lượng trong khu vực. Trung Quốc phản ứng bằng cách triển khai tàu nghiên cứu Hải Dương Địa chất 08 cùng tàu tuần duyên bám đuổi tàu thăm dò Malaysia ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình song nhấn mạnh nước này kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở biển Đông.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)