Vấn đề cổ phần hóa (CPH) ở Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) đang đặt ra những câu hỏi lớn về sự minh bạch của các giá trị mà VFS đang có. Cụ thể ở đây là vấn đề định giá thương hiệu và tài sản liên quan đến bất động sản (BĐS).
Khó định giá thương hiệu
Liên quan đến vấn đề định giá thương hiệu của VFS, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế không cùng quan điểm. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng rất khó để nhận định kết quả xác định giá trị thương hiệu của VFS bằng 0 đồng là đúng hay sai. Mặc dù VFS có bề dày phát triển 60 năm nhưng giá trị thương hiệu quan trọng là tương lai tạo ra cái gì chứ không phải quá khứ có cái gì.
Một phần tài sản của VFS ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội)Ảnh: Lan Anh
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc xác định giá trị thương hiệu hiện nay có 3 cách tiếp cận cơ bản: theo chi phí, theo thu nhập và theo thị trường. Trong quá trình CPH, các bên đã thuê đơn vị tư vấn định giá. Nay có ý kiến cho rằng định giá thương hiệu 0 đồng là sai thì nên thuê một đơn vị khác định giá lại. Nếu vẫn tiếp tục không chấp nhận kết quả định giá lại thì có thể kiện ra tòa kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong tất cả các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) thì một trong những vấn đề quan trọng chính là giá trị thương mại của DN đó. Giá trị thương mại ở đây dựa trên giá trị thương hiệu, giá trị uy tín, thị phần của công ty. Thương hiệu là tài sản vô hình có giá trị thương mại. Mua bán DN mà không chấp nhận tài sản vô hình thì không hợp lý.
Sử dụng đất làm gì?
Đáng lưu ý là trong quá trình CPH, tài sản đất đai của VFS gồm các vị trí đất vàng ở Hà Nội, gồm 5.500 m2 ở số 4 Thụy Khuê; 905 m2 tại đường Hoàng Hoa Thám; 6.382 m2 tại trường quay Cổ Loa và 1.208 m2 tại số 6 Thái Văn Lung, TP HCM đều không được tính vào giá trị DN trước khi CPH.
TS Nguyễn Đình Cung cho biết tài sản đất không được tính vào giá trị DN vì đất thuộc sở hữu nhà nước. VFS là đơn vị được thuê đất trả tiền hằng năm.
Vấn đề đặt ra đối với trường hợp CPH VFS là nhà nước cho VFS thuê để phát triển hãng phim chứ không phải cho mục đích khác. Nếu "hậu CPH", hãng phim sử dụng đất ngoài mục đích nói trên là sai. Còn nếu xin chuyển đổi mục đích thì phải được nhà nước cho phép và định giá lại tài sản đất này.
Thực tế, quản lý đất đai tại các DN kém nên có tình trạng DN "chạy" chuyển đổi mục đích. Nếu xảy ra khả năng này thì coi như VFS không còn làm phim nữa. Khi đó, diện tích đất VFS được giao sẽ là một khoản địa tô rất lớn. Nếu thu được địa tô vào ngân sách thì không sao nhưng nếu các bên chia nhau thì lại khác.
"Tính hấp dẫn trong CPH VFS nằm ở điểm này. Nếu nhà đầu tư chỉ nhìn vào đây để rót vốn vào VFS thì đó không phải nhà đầu tư nghiêm túc" - TS Nguyễn Đình Cung nêu vấn đề.
Bình luận về việc VIVASO, một DN đường thủy bỏ tiền mua 65% cổ phần của VFS, TS Nguyễn Đình Cung cho biết muốn xác định VIVASO có phải nhà đầu tư chiến lược của VFS hay không phải xem bản cam kết.
Không phải cứ nhà đầu tư bỏ nhiều tiền mua cổ phần đều coi là nhà đầu tư chiến lược. Quan trọng là nhà đầu tư phải có năng lực mềm để phát triển hãng phim chứ không phải là một nhà đầu tư trái ngành.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, trước đây, Công ty CP Điện Quang đã xảy ra sai phạm được thuê 47.000 m2 đất dài hạn nhưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định, lấy một phần để xây cao ốc. Trong trường hợp của VFS, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được quản lý chặt chẽ.
Bình luận (0)