xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mập mờ quan chức đi công tác nước ngoài

VĂN DUẨN - THÙY DƯƠNG - XUÂN HOÀNG

Thực tế, nhiều quan chức đi công tác nước ngoài chỉ đến dự phiên khai mạc, sau đó vắng bóng hoàn toàn ở các phiên sau

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương giai đoạn từ 2012-2016.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh đi theo diện đặc biệt

Qua đó, TTCP đã chỉ rõ một số bộ, ngành có đoàn công tác đi nước ngoài nhiều, trong đó đáng chú ý nhất là Bộ Công Thương dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng. Riêng ông Hoàng, trong năm 2015 đi nước ngoài đến 163 ngày.

Đối với 6 địa phương trong diện thanh tra, bà Phan Thị Mỹ Thanh cũng đi nước ngoài 10 lần vào năm 2014 khi là phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Ngoài ra, bà Thanh còn làm trưởng đoàn của 17 đoàn thuộc tỉnh Đồng Nai đi nước ngoài trong giai đoạn 2012-2017.

Mập mờ quan chức đi công tác nước ngoài - Ảnh 1.

Ông Vũ Huy Hoàng thời làm bộ trưởng Bộ Công Thương trong 1 năm có đến 163 ngày đi nước ngoài Ảnh: VĂN DUẨN

Theo TTCP, một số bộ ngành, địa phương vẫn còn tổ chức đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt. Qua đó, cơ quan này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương tổ chức kiểm điểm, xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan; chuyển Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét trách nhiệm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã quyết định, tham gia các đoàn không đúng quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 29-6, bà Nguyễn Phương Lan, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Nai, cho biết việc đi nước ngoài của bà Thanh không thuộc trách nhiệm của sở mà là trách nhiệm của tỉnh và trung ương vì bà Thanh là cán bộ do Tỉnh ủy và trung ương quản lý. Bà Lan cho biết sở này chỉ làm thủ tục chứ không thể can thiệp vào các lần đi của lãnh đạo, vì theo quy định, ngoài các chuyến đi công cán hằng năm còn có những "trường hợp đặc biệt". "Còn đặc biệt như thế nào thì trong quy định không ghi rõ, tùy người ký mà cho nó là đặc biệt, sở chỉ làm thủ tục chứ không thể quyết định..." - bà Lan nói.

Phóng viên đặt câu hỏi với trường hợp của bà Thanh thì được tính bao nhiêu lần đi nước ngoài thuộc diện đặc biệt? Trong hồ sơ về các chuyến công du nước ngoài của bà Thanh có ghi rõ các trường hợp đặc biệt không? Lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Nai cho biết theo quy định là ngoài 2 lần ra công cán ở nước ngoài thì các lần khác đương nhiên là đặc biệt và trong hồ sơ không cần phải ghi cụ thể.

Cũng theo bà Lan, hiện sở vẫn chưa nắm được nội dung cụ thể kết luận của TTCP và chưa có động thái gì rà soát tình trạng cán bộ đi nước ngoài sai quy định.

Phải gắn với hiệu quả công việc

TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng việc đi công tác nước ngoài của các cán bộ là cần thiết nhưng phải được giám sát chặt chẽ. Thực tế có những chuyến công tác nước ngoài mà ông được mời với tư cách chuyên gia, nhiều quan chức chỉ đến dự phiên khai mạc, sau đó vắng bóng hoàn toàn ở các phiên sau, họ "biến" đi đâu không rõ. "Tôi không biết những quan chức cấp cục, vụ ở các bộ, ngành sau chuyến công tác đó về nước họ có báo cáo kết quả công việc không, hiệu quả chuyến đi ra làm sao?" - TS Lê Đăng Doanh băn khoăn và đề nghị cần kiểm tra, phân tích sâu hơn nữa tình trạng này.

Theo ông Doanh, liên quan đến việc cán bộ đi công tác nước ngoài, chúng ta có quy chế công khai nhưng không minh bạch. Thực tế chỉ công khai ngày, tháng các ông, bà đi công tác nhưng ở khách sạn nào, tiêu bao nhiêu tiền... trong chuyến đi đó thì không rõ. "Trong khi đó, ở các nước như Thụy Điển, Canada, Hàn Quốc, khi quan chức đi công tác, vé máy bay bao nhiều tiền, ở khách sạn nào và giá bao nhiêu tiền, chi tiêu trong quá trình công tác... đều được công bố rõ ràng" - TS Lê Đăng Doanh nói.

Vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài cần đối chiếu với hiệu quả công việc và công khai, minh bạch để dân có thể giám sát. "Vấn đề cán bộ đi công tác nước ngoài bằng ngân sách nhà nước mà không rõ ràng về chi phí cũng như hiệu quả công việc cũng là điều gây bức xúc trong công luận" - ông Doanh nhấn mạnh. 

Đi bằng tài trợ là nhận hối lộ

Về việc quan chức hoặc cán bộ đi nước ngoài bằng tiền tài trợ của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, theo TS Lê Đăng Doanh, đây là một hình thức hối lộ. "Các nước họ không chấp nhận điều này" - ông Doanh nói và lưu ý rằng đã là công chức nhà nước thì không thể nhận tài trợ của doanh nghiệp theo hình thức này hoặc hình thức khác.

TS Lê Đăng Doanh dẫn ví dụ việc nhiều quan chức đi đánh golf ở nước ngoài khi đi công tác, hầu như hoàn toàn do doanh nghiệp tài trợ. "Có vị mà tôi biết khi đi công tác ở Pháp đã dành thời gian đi đánh golf. Chi phí đánh golf rất cao nên trước đó, vị này phải nhờ đơn vị nọ, đơn vị kia đăng ký để được chơi" - ông Doanh kể.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo