Mặc dù 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) - Densavan (Lào) đã thông thương trở lại sau thời gian "đóng cửa" vì dịch Covid-19, thế nhưng nhiều người dân đã đầu tư số tiền lớn để thuê đất trồng, chăm sóc chuối mật mốc ở Lào vẫn thờ ơ.
Vừa đầu tư đã mất hết
Theo thống kê, có hơn 1.030 hộ dân ở các xã Tân Long, Tân Thành, Thuận, Thanh, thị trấn Lao Bảo của huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) hợp tác, đầu tư trồng chuối mật mốc ở Lào với diện tích hơn 3.060 ha. Hơn 2 năm qua, do biên giới "đóng cửa" vì dịch Covid-19 nên người dân không thể qua lại chăm sóc, thu hoạch dẫn đến việc mất trắng cả vốn lẫn công sức bỏ ra.
Ghi nhận tại xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa), xã này có 119 hộ dân hợp tác, thuê đất ở Lào để trồng chuối mật mốc với diện tích hơn 400 ha. Trong đó, mỗi hộ thuê từ 3-7 ha đất người dân nước bạn Lào đã xuống giống để tiếp tục chăm sóc, thu hoạch. Tuy nhiên, đến nay hầu như toàn bộ diện tích chuối này đều bị tàn rụi vì bỏ hoang lâu ngày và trâu, bò giẫm đạp.
Người dân huyện miền núi tỉnh Quảng Trị vận chuyển chuối mật mốc đi bán với giá từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Ông Lê Cảnh Thanh (60 tuổi, ngụ thôn Bích La Đông, xã Tân Thành) bỏ ra 200 triệu đồng mua hơn 2.000 gốc chuối ở cụm bản Densavan, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) với giá 100.000 đồng/gốc. Theo thỏa thuận, thời gian gia đình ông được chăm sóc, thu hoạch chuối 10 năm. Tuy nhiên, thu hoạch chuối chưa bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến, biên giới đóng cửa khiến ông không thể sang thăm vườn. Mới đây, khi cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thông thương trở lại, ông sang thăm vườn chuối thì thấy trâu bò đã phá tan hoang. Hơn 2.000 gốc chuối mà gia đình mua bằng số tiền lớn xem như mất trắng.
Liên quan đến việc thuê đất trồng chuối ở Lào, xót xa nhất vẫn là những trường hợp vừa trả tiền thuê đất xong thì dịch Covid-19 ập đến. Có hộ đã bỏ ra từ vài chục triệu nhưng có hộ cũng lên đến vài trăm triệu đồng để đầu tư. Đơn cửa như anh Trương Đức Hào, ngụ thôn Long Giang, xã Tân Long. Năm 2019, anh đầu tư gần 100 triệu đồng để mua 1.000 gốc chuối ở Lào, chưa kịp thu hoạch thì dịch Covid-19 ập đến. Đến nay, vườn chuối mà anh thuê ở bên đó đã không còn, số vốn đầu tư trước đó xem như mất trắng.
Ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết trên địa bàn xã có hơn 240 hộ dân hợp tác, thuê khoảng 1.250 ha đất ở Lào để trồng chuối mật mốc. Nhiều người dân đã vay vốn ngân hàng từ vài chục triệu đến 300 triệu, 400 triệu đồng để đầu tư. Thống kê sơ bộ thì những hộ dân này bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng/năm vì không thể thu hoạch chuối.
"Một số hộ đầu tư vài năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 thì vớt vát được vốn, trong khi người mua từ năm 2019 dường như mất trắng, khó thu hồi vốn đã bỏ ra. Qua các cuộc họp, xã cũng đã đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân để giảm bớt thiệt hại, song đến nay vẫn chưa có kết quả" - ông Cương thông tin.
Hơn 4.000 gốc chuối ở Lào của một hộ dân Quảng Trị thuê trồng giờ chỉ còn chưa tới 1.000 gốc, đang bị hư hại nặng. Ảnh: NHI NGUYỄN
Chuyển đổi mô hình
Thu nhập và việc làm của người dân và của các hộ dân hợp tác trồng chuối ở nước bạn Lào bị ảnh hưởng, xã Tân Long đã vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng "đa cây, đa con" để tăng thu nhập. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp tại địa phương. Ngoài ra, xã này cũng vận động người dân tiếp tục chăm sóc, thâm canh hơn 600 ha chuối mật mốc hiện có trên địa bàn.
"Theo thống kê, trước thời điểm Covid-19 bùng phát, xã Tân Long có 28 trang trại và gia trại chăn nuôi. Đến nay, toàn xã có 392 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc và gia cầm. Trong đó, có nhiều người sau khi thất bại vì thuê đất trồng chuối ở Lào cũng quay về đầu tư phát triển các mô hình ở quê nhà. Tại các trang trại chăn nuôi lớn, hàng chục lao động địa phương được giải quyết việc làm với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng" - ông Cương nói.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết bằng mối quan hệ, hợp tác làm ăn lâu đời nên những năm qua, người dân tại các xã biên giới như Tân Long, Tân Thành, Thuận và thị trấn Lao Bảo phối hợp người dân nước bạn Lào để trồng chuối mật mốc. Việc hợp tác, đầu tư do người dân giữa 2 nước thỏa thuận nên các cấp chính quyền rất khó can thiệp.
"Huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi văn bản về các xã để người dân đăng ký, phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả. Từ đó, huyện có cơ sở để hỗ trợ nguồn giống cây, con cũng như đề xuất các ngân hàng hỗ trợ vay vốn để người dân vượt qua khó khăn, tập trung phát triển sản xuất hiệu quả diện tích đất hiện có tại địa phương" - ông Thuận khẳng định.
Giá chuối giảm sâu
Toàn huyện Hướng Hóa có trên 4.000 ha chuối mật mốc tập trung tại các xã Tân Long, Tân Thành, Tân Lập và 7 xã vùng Lìa. Gần 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu sản phẩm chuối mật mốc đi thị trường Thái Lan, Trung Quốc ngưng trệ khiến giá thu mua nông sản này giảm sâu. Đến nay, mỗi kg chuối trái được thương lái thu mua dao động từ 2.000 - 2.500 đồng. Giá cả thấp khiến thu nhập của người trồng chuối giảm đáng kể.
Bình luận (0)