Cơ quan chức năng của nước này cũng cho biết sẽ mở rộng lệnh cấm đối với tất cả các bãi biển trên khắp lãnh thổ; xem xét lệnh cấm hút thuốc trên thuyền chở khách và thuyền du lịch để chấm dứt tình trạng thả đầu lọc thuốc lá xuống biển.
Không chỉ Thái Lan, các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia… đều chú trọng bảo vệ cảnh quan, môi trường vùng biển, nhất là những địa điểm du lịch nổi tiếng. Chính quyền và người dân những nơi này ra sức bảo vệ danh thắng một cách cẩn trọng, bởi đó không chỉ là báu vật, là niềm tự hào mà còn là nguồn lợi lớn của cư dân, của đất nước. Họ giữ gìn để khai thác bền vững, để sống cùng môi trường, cảnh quan sạch đẹp, trong lành.
Nhìn lại Việt Nam, không khỏi có những lo âu khi chúng ta có hàng chục vịnh biển rất đẹp, có tên trong vịnh đẹp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa được chú trọng bảo vệ, giữ gìn với ý thức cao nhất, thậm chí còn xâm hại cảnh quan, môi trường mà điển hình là vịnh Nha Trang bị nhiều dự án lấn biển khiến dư luận bức xúc suốt thời gian gần đây. Dọc theo bờ vịnh, những dự án Nha Trang Sao, Champarama, Amiana, công viên bến du thuyền và cách bờ không xa là Hòn Rùa, dự án lấn biển làm con đường lên núi như một "vết chém ngang thân"…
Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt hành chính 105 triệu đồng với chủ dự án Champarama và 175 triệu đồng với chủ dự án Hòn Rùa; yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu diện tích lấn biển. Thế nhưng, ai cũng biết việc khôi phục nguyên trạng hầu như là không thể, cũng như chén nước đã đổ đi, sao có thể múc lại cho đầy. Điều đáng nói là các dự án lấn biển thi công giữa thanh thiên bạch nhật, tại sao các cơ quan chức năng không thấy, không ngăn chặn từ đầu là câu hỏi cần được trả lời. Bây giờ hậu quả nặng nề, không thể không có địa chỉ trách nhiệm một cách rõ ràng.
Về việc khắc phục của chủ dự án Hòn Rùa, TS Lê Đình Mầu, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, lo ngại toàn bộ đất đá lấn ra vịnh sẽ bị sóng, dòng hải lưu bóc ra. Đổ xuống thì dễ, múc lên khó vô cùng, múc cả năm cũng chưa xong mà phải trong điều kiện biển cho phép. Theo ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, khi xây dựng công trình đổ đất đá xuống, bây giờ phải móc lên chắc chắn sẽ ảnh hưởng, tác động đến môi sinh, môi trường. Cho dù chủ đầu tư có khắc phục cũng không thể được như ban đầu.
Chỉ vì lợi ích cục bộ, chủ đầu tư xâm hại cảnh quan, môi trường vịnh Nha Trang. Khi xử lý, dù nói cách gì, cũng là đã muộn. Tại sao các nước láng giềng biết giữ gìn các vịnh biển mà chúng ta thì không? Họ biết lo lắng từ mẩu tàn thuốc lá du khách vứt trên bãi biển, còn chúng ta, hàng chục ngàn m2 mặt biển đã bị lấn chiếm mới ra tay một cách thụ động. Qua việc này, người dân có quyền đặt lại cái tâm và cái tầm của người có trách nhiệm, bởi Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ những việc không được làm đối với danh thắng quốc gia như vịnh Nha Trang.
Bình luận (0)