Mới đây, ông Lê Văn Tuấn (54 tuổi, trú huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã vào huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai để tìm gặp người mẹ đẻ là bà Phạm Thị Lâm (90 tuổi) và những người thân trong gia đình sau gần nửa thế kỷ thất lạc.
Bán từng cái nồi đồng đi tìm con
Bà Lâm kể trước kia gia đình bà ở thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Vào một ngày năm 1973, bà và chồng là ông Nguyễn Văn Quốc cùng đi chia lúa, chia rơm của hợp tác xã. Trước khi đi, bà Lâm đã nấu sẵn cơm, luộc 2 quả trứng và dặn con gái lớn là Nguyễn Thị Anh (lúc đó mới 9 tuổi) lấy cơm cho em trai là Nguyễn Văn Tuấn (mới 5 tuổi) ăn rồi dắt em sang nhà bà ngoại chơi.
Tới chiều, khi vợ chồng bà Lâm đi làm về thấy cơm và 2 quả trứng vẫn còn nguyên, nhưng không thấy 2 con nên đi tìm và chỉ gặp người con gái, còn cậu em thì không thấy đâu. Vợ chồng bà Lâm nhờ cả người trong làng lội xuống các ao để mò vì sợ con đuối nước nhưng đều vô vọng.
Liên tục nhiều năm sau đó, vợ chồng bà Lâm thuê người đi khắp nơi tìm con, thậm chí lên tận các tỉnh biên giới phía Bắc vì có thông tin con trai bà bị bắt cóc bán sang Trung Quốc.
"Từ khi mất con, hai vợ chồng không thiết ăn uống gì nữa. Có thầy bói phán con tôi qua sông ngã xuống nước chết rồi. Nhưng chết thì phải thấy xác, chưa thấy thì chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm" - bà Lâm kể.
Nước mắt ngày đoàn tụ sau gần nửa thế kỷ thất lạc
Để có lộ phí và thuê người tìm con, vợ chồng bà Lâm đã phải bán đi từng cái nồi đồng trong nhà nhưng người con trai vẫn biệt vô âm tín. Năm 1979, vợ chồng bà Lâm cùng người con gái chuyển vào huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai theo diện kinh tế mới. Bà Lâm vẫn không nguôi hy vọng, thường xuyên viết thư về quê hỏi thăm tin tức, nhưng tất cả đều vô vọng.
Trong khi đó, ông Tuấn mơ hồ nhớ lại, hôm ấy được một người hàng xóm tên Phúc (khoảng 15 tuổi) dắt ra ga tàu (cách nhà khoảng 5 km). Khi lên tàu thì hai người lạc mất nhau. Lúc này, ông chỉ biết gào khóc và được một người đàn ông (sau này biết tên là Trần Văn Kiệm) dỗ dành, đưa về nhà ở tỉnh Thanh Hóa nuôi dưỡng. Tiếp đó, ông Tuấn được vợ chồng không có con, gần nhà ông Kiệm nhận làm con nuôi và đổi họ theo cha nuôi là Lê Văn Tuấn.
Như một giấc mơ có thật
Trong thời gian ở với bố mẹ nuôi, ông Tuấn được chăm sóc, yêu thương nhưng vẫn luôn nhớ về gia đình đã sinh ra mình. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên tới năm 2019, ông mới quyết tâm tìm lại gia đình đã thất lạc.
Trong ký ức, ông Tuấn chỉ nhớ người chị thường chơi, chăm sóc cho mình tên Anh, gia đình làm nghề mộc chuyên đóng xe bò, xe lôi và bị thất lạc khoảng năm 1973. Từ thông tin ít ỏi đó, ông Tuấn đã nhờ người thân đưa lên mạng xã hội mong tìm lại gia đình. Từ lời kể ông Kiệm, ông Tuấn cũng đã tìm được ga tàu hỏa Phủ Lý, nhưng thông tin về gia đình thì không ai biết.
Trong khi đó, ở Gia Lai, người chị gái Nguyễn Thị Anh cũng thường xuyên kể cho các con, cháu của mình về câu chuyện gia đình bị thất lạc người em tên Tuấn, từ năm 1973. Trong một lần lên mạng xã hội, người nhà bà Anh thấy thông tin tìm người thân của Tuấn có những điểm trùng khớp với người em đã thất lạc của bà Anh, nên đã xin số điện thoại để liên hệ.
"Tôi nhìn hình ảnh thì thấy người này rất giống cha mình, khi gọi điện thì kể ra được những gì trong gia đình tôi trước đây như hình dung ngôi nhà, cạnh nhà có giếng nước, cạnh giếng có cây vải… thì tôi chắc chắn đây là em mình rồi" - bà Anh kể lại và cho biết nhiều câu chuyện của gia đình, bà đã quên nhưng khi nghe em trai kể thì mới nhớ.
Tìm được thông tin của em trai, bà Anh vội cho con gái đầu vào đón bà Lâm, lúc này đang ở trong ngôi chùa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ban đầu, bà Lâm không tin, nghĩ con cháu nói dối để bà về nhà nên nhất quyết không chịu rời khỏi chùa. Lần 2, bà Anh cho người con gái thứ 2 vào, đưa hình ảnh ông Tuấn nhưng bà Lâm xem vẫn không tin vì "mặt thì giống cha, mà con tôi trắng chứ sao lại đen thế này". Tuy vậy, bà Lâm cũng đồng ý theo cháu gái trở về nhà.
Nước mắt ngày gặp lại
Đến ngày 23-4, sau gần nửa thế kỷ, bà Lâm và con trai mới gọi video, được nhìn thấy mặt nhau. Cuộc trò chuyện kéo dài đến khi điện thoại hết pin, nhưng cả hai chỉ nhìn nhau rồi khóc. Sau đó, ông Tuấn vội vã từ Thanh Hóa vào Gia Lai tìm gặp mẹ và chị mình. Có mặt trong ngày trùng phùng ấy, nhìn người mẹ già 90 tuổi sờ nắn từng ngón tay người con trai giờ tóc đã muối tiêu, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. "Gặp nhau nhưng hai mẹ con chưa nói chuyện với nhau được nhiều vì cứ kể lại chuyện xưa là khóc, nhất là chuyện cha tôi vì nhớ thương con mà suy sụp, mất đi vào năm 1992. Tôi mong muốn được đưa mẹ về Thanh Hóa để chăm sóc, gần gũi với mẹ, bù lại những năm dài đằng đẵng xa cách" - ông Tuấn nghẹn lời. Bà Lâm cũng cho biết từ nay sẽ không đi chùa nữa, chỉ ở nhà với con. Khi về quê, bà sẽ tìm ông Phúc để hỏi cho ra lẽ vì sao dẫn con bà đi để gia đình phải thất lạc gần nửa thế kỷ qua. Trước đó, nghe phong thanh chuyện này, bà đã tìm ông Phúc nhiều lần nhưng ông này đều tránh mặt.
Bình luận (0)