icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Mẹ hiền" ở những lớp học đặc biệt

Bài và ảnh: Hồ Xuân Huy

33 năm trong ngành sư phạm, trong đó hơn 26 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, cô giáo Hà Thanh Vân dành hết tình yêu thương cho trẻ khuyết tật trí tuệ

Cũng như mọi ngày, 6 giờ 30 phút ngày 27-4, khi thành phố còn chưa thật sự thức dậy sau một đêm mưa dài, cô Hà Thanh Vân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Tân Bình (TP HCM) - cùng các giáo viên đã tất bật, chuẩn bị cho học trò bắt đầu một ngày mới.

Hành trình nhân ái

Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Tân Bình có 155 học sinh chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ. Các em ở nhiều độ tuổi, từ 4 cho đến 16-18, cá biệt có học sinh đã 19 tuổi; đến từ nhiều nơi. Mỗi lớp học khoảng 18-20 học sinh, do 2 giáo viên phụ trách kiêm vai trò của bảo mẫu.

Mẹ hiền ở những lớp học đặc biệt - Ảnh 1.

Cô giáo Hà Thanh Vân như người mẹ của trẻ khuyết tật trí tuệ

Bên cạnh công tác quản lý, một trong những công việc thường ngày của cô Hà Thanh Vân là trực tiếp đi thăm các lớp, quan sát và tham gia các hoạt động lớp học, chăm chút từng bữa ăn giấc ngủ cho các em. Cô chia sẻ dù còn ở tuổi mầm non hay đã mang sắc vóc một thanh niên cao lớn, các em luôn cần sự chăm sóc kỹ lưỡng, tận tình hơn so với trẻ bình thường. Đa phần trẻ vào đây bị rối loạn tâm thần nặng, chỉ số IQ thấp, độ tập trung kém, thường không nghe lời, ương bướng.

"Nếu như trẻ bình thường đi học lấy kiến thức và kỹ năng, từng năm nâng dần trình độ và lên lớp thì đối với trẻ chậm phát triển, trẻ tự kỷ, đích đến của hành trình giáo dục chỉ là giúp họ tiến bộ hơn chính mình ngày hôm qua. Con đường ấy đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì, không nản lòng. Bởi lẽ, không trẻ nào giống trẻ nào; có khi chúng tôi mất cả tháng chỉ để dạy trẻ đánh răng, mất cả năm để dạy trẻ biết lau nhà… Giúp mỗi trẻ tiến bộ như giải một bài toán, dù có khó mấy chúng tôi cũng không bỏ cuộc" - cô Vân bày tỏ.

Trước khi về công tác tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Tân Bình, cô Hà Thanh Vân bén duyên với giáo dục đặc biệt từ năm 1995. 33 năm trong ngành sư phạm, trong đó hơn 26 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, trải qua quá trình làm giáo viên, rồi phó hiệu trưởng và hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, đến lúc về trung tâm này, cô giáo Hà Thanh Vân dành hết mọi sự yêu thương cho trẻ khuyết tật trí tuệ.

Cô bảo dạy trẻ khiếm thị khó khăn một thì dạy trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển khó khăn hơn bội phần. Qua quá trình học tập và hòa nhập, người mù có thể sinh hoạt, làm việc, giải trí gần tương tự người sáng mắt, tìm kiếm được hạnh phúc riêng. Còn đối với trẻ khuyết tật trí tuệ, việc giúp các em có những kỹ năng cơ bản nhất của một người bình thường là rất gian nan. "Chìa khóa quan trọng nhất trên hành trình bước vào trái tim các em chính là tình yêu thương vô điều kiện" - cô Vân nhìn nhận.

Những món quà vô giá

Tấm lòng đôn hậu, tinh thần lạc quan, năng động và sống tích cực luôn được cô giáo Hà Thanh Vân lan tỏa mạnh mẽ đến giáo viên nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, thiểu năng. Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai, người có 12 năm gắn bó với Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Tân Bình, cho rằng cô Hà Thanh Vân là tấm gương nhà giáo mẫu mực. Sự chu đáo, thân tình, ấm áp của cô lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.

Cô Hà Thanh Vân còn cho rằng mình là người may mắn vì được làm việc với những thầy cô giáo giàu tâm huyết, hết lòng vì trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó là sự quan tâm của ngành giáo dục; sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, đoàn thể; sự chung sức, đồng lòng của người dân TP HCM. Chính vì vậy, dù từng bị bệnh phổi nặng tưởng không qua khỏi nhưng cô Vân vẫn nỗ lực vượt qua, gắn bó với công việc đặc biệt này.

Nhà giáo Hà Thanh Vân hy vọng ngày càng có nhiều thầy cô tìm đến với giáo dục đặc biệt và gắn bó lâu dài. Chỉ khi các thầy cô cảm thấy hạnh phúc, tự hào và trân trọng những gì mình đang làm thì mới gắn bó với nghề.

Và có lẽ, chính sự tiến bộ dù rất nhỏ nhoi của trẻ khiếm khuyết cũng là phần thưởng vô giá cho các cô giáo Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Tân Bình. Chẳng hạn, cậu bé Đ.T.K, 8 tuổi, khi mới đến lớp thường trốn vào góc lớp khóc từ sáng đến chiều thì bây giờ em đã chịu ngồi học bài, tham gia trò chơi cùng các bạn. Bé Ng.V.G.B nhút nhát ngày nào, giờ đã dạn dĩ chịu vận động hơn, chăm chỉ đi tưới từng chậu cây treo trước cửa lớp. Rồi chuyện nhiều em tự giác đến đấm lưng, xoa vai, an ủi bằng những tiếng ngọng nghịu khi thầy cô đuối mệt sau một ngày dài dạy dỗ, chăm sóc..., đủ làm các giáo viên rơi nước mắt.

Mỗi sự tiến bộ ấy là một niềm hạnh phúc, đong đầy yêu thương ở trung tâm đặc biệt này. 

Khi được hỏi có bao giờ muốn từ bỏ nghề sau 26 năm miệt mài với lĩnh vực giáo dục đặc biệt, cô Hà Thanh Vân bộc bạch: “Đôi khi cũng không tránh khỏi mệt mỏi nhưng tình thương là sức mạnh lớn lao để chúng tôi tiếp tục công việc này. Thương phụ huynh vô cùng, bởi gánh nặng cơm áo, lo toan cho con trẻ thiếu may mắn. Thương các em khó hòa nhập cộng đồng, chịu tổn thương, thiệt thòi khi khó khăn hòa nhập xã hội. Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là trẻ làm được từ những điều nhỏ nhặt nhất, biết chăm sóc mình, tự vệ trước những rủi ro...”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo