Miền Bắc đang phải hứng chịu đợt không khí lạnh có cường độ rất mạnh, gây rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nhiệt độ thấp nhất sáng 10-1 ở các tỉnh miền núi phía Bắc xuống dưới 5 độ C, ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là 1,6 độ C, cá biệt ngày 9-1 là -0,3 độ C và đã xuất hiện băng giá. Không khí lạnh và mưa bao trùm toàn miền Bắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Nhiều địa phương đã phải cho học sinh nghỉ học để bảo đảm sức khỏe.
Mùa của... tai biến, đột quỵ
Chị Vũ Ngọc Diệp (ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết 2 ngày nay, chị đã phải cho con nghỉ học để tránh rét. "Trong lúc chờ ông bà ngoại từ quê lên, tôi phải xin nghỉ làm nửa ngày ở nhà trông con. Cuối năm công việc "ngập đầu ngập cổ" mà đứa thì sổ mũi, đứa húng hắng ho vì trời bất ngờ trở lạnh" - chị Diệp than thở.
Trời rét khiến người dân nhập viện tăng đột biến. Trong ảnh: Người dân Hà Nội khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: NGỌC DUNG
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thu Hiền (71 tuổi; ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), ngày 9-1, bà tái khám bệnh huyết áp theo lịch hẹn bác sĩ nhưng vì mưa phùn, gió rét nên phải tự mua thuốc theo đơn cũ, chờ nắng ấm mới dám đi khám.
Bác sĩ (BS) Đồng Văn Thành, Phó trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết trong 2 ngày qua, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 2.600 bệnh nhân. "Dù bên trong các phòng khám đều kín gió nhưng để chống lạnh cho bệnh nhân, nhất là những trường hợp siêu âm, chụp chiếu, nội soi… do phải cởi bớt quần áo, nên BV đều trang bị máy sưởi cho người bệnh. Trong khi đó, tại các phòng mổ, hồi sức tích cực, cấp cứu, phòng điều trị… luôn có máy điều hòa nóng, lò sưởi để bệnh nhân không bị lạnh trong quá trình tiến hành các thủ thuật" - bác sĩ Thành cho hay.
Tuy nhiên, với nền nhiệt xuống thấp như những ngày qua, BS Thành khuyên những người có tiền sử mắc bệnh huyết áp, tim mạch cần phải lưu ý nhiều hơn vì đây được coi là mùa của tai biến. Đặc biệt, bệnh nhân tăng huyết áp có bệnh mạch vành đã đặt "stent" thì nguy cơ tai biến càng cao. Theo BS Thành, thời gian gần đây, nhóm người trẻ bị cao huyết áp tăng nhanh, trong đó có những trường hợp chỉ 17, 18 tuổi. Ngay cả nhóm tuổi ngoài 30 trước đó rất hiếm gặp thì nay nhiều trường hợp bị cao huyết áp và tai biến đột quỵ.
Các bác sĩ cũng lưu ý những ngày trở lạnh, dù thói quen tập thể thao rất tốt cho sức khỏe và tim mạch nhưng người cao huyết áp, bệnh tim mạch cần giữ ấm, không để bị lạnh đột ngột sẽ tăng nguy cơ đột quỵ, gây nguy hiểm cho tính mạng. "Cao huyết áp cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt ca tử vong do biến chứng tai biến mạch máu não, nhưng tới 90% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Nếu tập thể dục buổi sáng thì nên tập nhẹ nhàng trong nhà và luôn giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột khi ra khỏi chăn ấm" - BS Thành lưu ý.
Lạnh còn kéo dài đến cuối tuần
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, cho biết nhiệt độ thấp nhất sáng 10-1 ở tỉnh miền núi phía Bắc xuống dưới 5 độ C như: Sìn Hồ (Lai Châu) 3,7 độ C; Mộc Châu (Sơn La) 4,8 độ C; Sa Pa (Lào Cai) 2,8 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) 4,6 độ C; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 1,6 độ C.
"Dự báo đợt rét đậm, rét hại lần này tại các tỉnh Bắc Bộ và Hà Nội sẽ kéo dài đến hết ngày 14-1, trong đó khu vực núi cao cần đề phòng băng giá" - ông Cường nói.
Trước tình hình rét đậm, rét hại, các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái… đã có công điện yêu cầu chính quyền các cấp và nhân dân chủ động các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể xảy ra cho người, hoa màu, vật nuôi.
Do nhiệt độ xuống thấp, sáng 9-1, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như: TP Lạng Sơn và các huyện Cao Lộc, Lộc Bình đã cho học sinh nghỉ học và phòng chống rét. UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống rét cho gia súc, gia cầm tại các vùng núi cao; tuyên truyền, nhắc nhở người dân không thả rông gia súc qua đêm ở các vùng núi.
Tại tỉnh Lào Cai, nhiều hộ dân các xã vùng cao của huyện Sa Pa đã sơ tán trâu bò đến những nơi có địa hình thấp trên đoạn Quốc lộ 4D thuộc các xã Tòng Sành, Cốc San (huyện Bát Xát). Trước đó, ngày 1-1, nhiệt độ thấp nhất giảm tới 7 độ C, rét kéo dài đã làm 26 con trâu, bò ở Sa Pa và Si Ma Cai bị chết. Tính chung từ đầu mùa đông đến nay, số gia súc chết rét trong toàn tỉnh lên tới 123 con.
Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, cho biết hiện chưa có thiệt hại về gia súc trong đợt rét hại này. Tuy nhiên, tại các vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng thả rông gia súc; chuồng nuôi sơ sài, không che chắn, nền ẩm thấp; nguồn thức ăn dự trữ ít, không đủ trong mùa đông; tỉ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc không cao. "Rét đậm, rét hại kéo dài, nếu không chăm sóc, nuôi dưỡng tốt thì nguy cơ gia súc chết vì đói, rét và bùng phát dịch bệnh là rất lớn" - ông Tiến nhận định.
Sẵn sàng cấp cứu cho người
Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn tăng cường thiết bị sưởi, chăn ấm trong phòng nội trú; bảo đảm sức khỏe cho bệnh nhân đến khám; đặc biệt chú trọng các bệnh nhân cao tuổi, sơ sinh và trẻ nhỏ, các phòng đẻ và sau sinh…
Các cơ sở điều trị phải chuẩn bị cơ số thuốc, giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do rét, thời tiết bất thường như: tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, cúm, viêm đường hô hấp cấp.
Bình luận (0)