Từ 0 giờ ngày 22-3-2023, Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT (Thông tư 02) về sửa đổi, bổ sung một số điều ở Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành.
Xe mới là 3 năm, xe cũ 7 năm là 2 năm
Thông tư 02 có nhiều thay đổi quan trọng về đăng kiểm xe cơ giới, trong đó đáng chú ý là chính thức miễn đăng kiểm lần đầu với ôtô mới và kéo dài chu kỳ đăng kiểm. Cụ thể, ôtô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu. Điều kiện để ôtô mới được áp dụng miễn đăng kiểm lần đầu là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm).
Người dân sau khi mua xe sẽ được miễn kiểm định, thời gian bằng đúng chu kỳ đầu kiểm định xe, tương đương 36 tháng đối với ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải; 24 tháng đối với ôtô chở người đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải; ôtô chở người trên 9 chỗ; ôtô tải, ôtô chuyên dùng, ôtô đầu kéo, rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc. Sau khi đăng ký xe, chủ phương tiện không cần đưa xe đến các trung tâm đăng kiểm nhưng phải mang giấy đăng ký xe, bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước, bản cà số khung, số động cơ của xe đến các trung tâm này để lập hồ sơ phương tiện, nhận giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tem kiểm định xe và nộp phí sử dụng đường bộ. Sau đó, chủ xe phải dán tem kiểm định lên xe cơ giới trước khi tham gia giao thông.
Thông tư 02 cũng quy định kéo dài chu kỳ kiểm định một số loại xe. Cụ thể: Đối với ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải: miễn kiểm định chu kỳ đầu tiên và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; xe có thời gian sản xuất đến 7 năm: chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm): chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 20 năm: chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.
Đối với ôtô chở người các loại trên 9 chỗ: chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất đến 5 năm: chu kỳ kiểm định tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm: chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.
Nhóm ôtô tải các loại, ôtô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ôtô tải, ôtô đầu kéo đã cải tạo thành ôtô chuyên dùng), ôtô tải sản xuất từ 15 năm trở lên được cải tạo chuyển đổi công năng từ ôtô chở người được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.
TS Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông, cho rằng với quy định miễn đăng kiểm lần đầu ôtô mới, trách nhiệm của người sử dụng (lái xe) và người quản lý phương tiện (chủ xe) phải được thể hiện rõ ràng và cao hơn so với trước đây. Quá trình sử dụng, chủ xe, lái xe phải theo dõi phương tiện và đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ thường xuyên. Các đại lý bán xe cũng phải có trách nhiệm thông báo đến chủ xe thời hạn xe cần bảo dưỡng, thay dầu… định kỳ để các chủ xe lưu ý thời gian đưa xe đến thực hiện bảo dưỡng theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, bảo đảm xe đủ điều kiện tham gia giao thông và tăng chất lượng phương tiện.
Hoạt động đăng kiểm xe cơ giới tại một trung tâm đăng kiểm tại TP Hà NộiẢnh: Hữu Hưng
Có tự động được kéo dài chu kỳ kiểm định?
Liên quan đến những quy định mới tại Thông tư 02, có nhiều ý kiến đặt vấn đề: Xe lưu hành dưới 7 năm, theo tem kiểm định tháng 10-2024 sẽ hết hạn đăng kiểm, nay theo quy định mới, khi hết hạn đăng kiểm, có phải đăng kiểm lại hay được tự động gia hạn? Xe 5 chỗ không kinh doanh vận tải, đăng kiểm lần đầu tháng 1-2020, theo quy định cũ, tháng 7-2023 phải đăng kiểm thì có được áp dụng theo quy định mới là 36 tháng?
Về vấn đề này, tại tọa đàm "Quy định mới về đăng kiểm xe cơ giới" do Báo Giao Thông tổ chức sáng 22-3, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết Thông tư 02 chính thức có hiệu lực từ 0 giờ ngày 22-3-2023 và không có giá trị hồi tố. Vì vậy, với phương tiện được kiểm định trước đó và thời gian tới đây sẽ đến hạn kiểm định, theo ông An, chủ xe đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định. Tại thời điểm đó, căn cứ vào phương tiện thực tế có năm sản xuất tới thời điểm kiểm định thuộc nhóm phương tiện nào sẽ áp dụng chu kỳ kiểm định tương ứng. "Như vậy, các phương tiện sắp đến hạn đăng kiểm vẫn phải thực hiện kiểm định theo quy định và sẽ được áp dụng chu kỳ đăng kiểm mới tùy theo từng loại xe" - ông An nói.
Với trường hợp "khi miễn đăng kiểm lần đầu với ôtô mới, chủ xe có phải nộp phí để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định?", ông Nguyễn Tô An cho hay: "Không cần đưa xe đến để kiểm tra, chủ phương tiện sẽ không mất giá dịch vụ kiểm định, hiện nay dao động từ 250.000 - 570.000 đồng/xe, tùy từng loại xe. Tuy nhiên, chủ xe vẫn phải nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định 40.000 đồng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; riêng ôtô dưới 10 chỗ (không bao gồm xe cứu thương), lệ phí là 90.000 đồng/giấy".
Ngoài việc không phải đưa phương tiện đến kiểm tra, chủ xe hoặc người được ủy quyền cần mang các giấy tờ theo quy định và cung cấp bản cà số khung, số máy để trung tâm đăng kiểm dán vào hồ sơ phương tiện. Sau khi lập hồ sơ phương tiện, chủ xe sẽ được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng tem kiểm định để tự dán theo hướng dẫn của nhân viên trung tâm đăng kiểm. Các trung tâm sẽ hướng dẫn chủ xe cách dán tem. Trường hợp khi dán tem bị hỏng, chủ phương tiện mang tem hỏng làm bằng chứng hoặc giấy chứng nhận tem bị hỏng khi dán tới trung tâm đăng kiểm để được cấp lại.
Tiết kiệm gần 130 tỉ đồng chi phí đăng kiểm ôtô mới
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết có khoảng 574.000 ôtô mua mới được miễn đăng kiểm lần đầu trong năm 2023, ước tính tiết kiệm chi phí gần 130 tỉ đồng. Quy định mới giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Bình luận (0)