Giữa cuối tháng 3-2019, trong chuyến đi công tác ở miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công các khu công nghiệp cảng biển của Tập đoàn THACO và gặp gỡ cán bộ lãnh đạo của Quảng Nam, TP Đà Nẵng qua các thời kỳ. Tại các sự kiện này, Thủ tướng nêu rõ thông điệp khơi dậy tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) và trục đô thị liên kết mang tính động lực giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Lấy gì để bứt phá?
Trước đó, ngày 15-2, tại Thừa Thiên - Huế, Hội đồng Vùng KTTĐMT đã tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả hoạt động của hội đồng nhiệm kỳ 2017-2018; thảo luận và thống nhất các hoạt động chính trong nhiệm kỳ 2019-2020 và bàn giao chức chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐMT cho tỉnh Quảng Nam.
Hội An là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung. Ảnh: Trần Thường
Để tạo đột phá phát triển vùng KTTĐMT nói riêng, toàn vùng miền Trung và Tây Nguyên (19 tỉnh, thành phố) nói chung, Hội đồng Vùng KTTĐMT đã đánh giá: "Các tỉnh miền Trung có vị trí địa lý thuận lợi, "mặt tiền" hướng ra biển nên khi lập quy hoạch tổng thể cần định hướng nội dung "xây dựng thành phố biển"; xác định việc phân vùng và liên kết vùng trong quá trình lập quy hoạch nhằm bảo đảm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của từng vùng, trong đó có vùng duyên hải miền Trung". Hội đồng cũng đề xuất Chính phủ cho cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để xây dựng tuyến đường ven biển dài 600 km từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định nhằm nâng cao khả năng kết nối và khai thác tốt hơn quỹ đất ven biển của các địa phương…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dịp này cũng đề nghị miền Trung không chỉ phát triển du lịch mà cần phải chú trọng phát triển công nghiệp, chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, cần phát huy lợi thế miền núi để phát triển nông nghiệp, trồng rừng, bảo vệ môi trường. "Phải xem việc liên kết phát triển là quan trọng nhất; đầu tư phát triển đường ven biển, đầu tư mở rộng sân bay cần nghiên cứu theo hướng xã hội hóa" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đặt câu hỏi: "Các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐMT phải trả lời được câu hỏi yếu tố "bứt phá" nào của vùng để phát triển?".
Liên kết, tương trợ
Trước khi nói đến bứt phá, cần nhận diện duyên hải miền Trung có những đặc điểm gì? Trước hết, đó là "mặt tiền" nhìn ra biển Đông còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, nếu có thì mỗi nơi một kiểu nên manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, liên hoàn. Thứ hai, do kẹp giữa biển và dãy Trường Sơn nên khu vực này có độ dốc cao, hay xảy ra ngập lụt gây hư hại các công trình hạ tầng kỹ thuật vốn đã thiếu và yếu; giao thông giữa các tỉnh, thành bị chia cắt. Thứ ba, là một vùng trung du và miền núi còn nghèo khó với các dân tộc thiểu số đa dạng về tập quán, văn hóa. Và cuối cùng, miền Trung có nhiều di sản văn hóa vừa thuận lợi cho khai thác du lịch, giáo dục truyền thống, lịch sử nhưng lại chưa chú trọng bảo vệ, trùng tu.
Với những đặc điểm đó, sau đường Hồ Chí Minh chạy dọc dãy Trường Sơn, việc xây dựng, kết nối tuyến đường ven biển giữa các tỉnh là cần thiết cho an ninh - quốc phòng, phát triển du lịch đồng thời cũng tránh được ngập lụt trong mùa mưa bão. Đầu tư cho tuyến này cần đồng thời với xây dựng, mở rộng các tuyến đường ngang nối giữa nó với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc trong tương lai để tạo ra việc thông thương ngay trong các điều kiện thời tiết cực đoan.
Các khu công nghiệp nên tập trung vào công nghiệp sạch gắn liền với các hải cảng và sân bay lớn. Các hải cảng cần có bến tàu du lịch tiện nghi có thể tiếp nhận các loại tàu du lịch nhỏ…
Ở vùng đồng bằng, ngoài sản xuất nông nghiệp, cần đầu tư các cụm công nghiệp sơ chế nguyên liệu, sản xuất các thiết bị rời làm vệ tinh cung cấp cho các khu công nghiệp lớn và công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động. Đây là biện pháp giữ lao động tại chỗ, giảm di dân vào các đô thị theo kiểu "ly nông bất ly hương". Tuy nhiên, cũng cần lưu ý gìn giữ các yếu tố văn hóa bản địa, không gian sống truyền thống để không đánh mất các bản sắc văn hóa khi đô thị hóa.
Đối với miền núi và trung du, các nhà nghiên cứu cho rằng cần tập trung xây dựng các bản làng theo tập quán, sử dụng tối đa vật liệu tại chỗ, bảo vệ rừng nghiêm ngặt. Văn hóa các dân tộc, cảnh sắc thiên nhiên và các di tích văn hóa lịch sử sẽ là sản phẩm du lịch hỗ trợ quan trọng vào việc phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc. Cách làm ở Nam Trà My, Tây Giang, Tiên Phước, Đông Giang thuộc tỉnh Quảng Nam tuy mới bắt đầu nhưng là các gợi ý quan trọng. Ở đây cần có chính sách khuyến khích cần thiết để thu hút đầu tư từ lĩnh vực tư nhân.
Phát triển du lịch ven biển và dọc theo trục đường ven biển trong tương lai cần được quy hoạch theo hướng liên kết, phân công giữa các tỉnh, thành bằng nhiều loại hình đặc thù để hỗ trợ lẫn nhau. Vừa qua, việc quảng bá các chương trình ở mỗi tỉnh còn thiếu tính liên kết nên chưa thật sự tập trung, nổi bật.
Miền Trung cần giữ lại những làng chài ven biển tiêu biểu với không gian sống truyền thống bên cạnh các khu nghỉ dưỡng và những loại hình du lịch có tính thể thao, khám phá.
Bình luận (0)