Chiều 19-12, thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa) - Vùng 4 Hải quân, cho biết bão số 9 đã làm cơ sở vật chất và cây xanh bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, toàn bộ quân dân trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và các ngư dân trên các tàu trú tránh đều an toàn.
Bão chưa vào đã thiệt hại về người
Đến chiều 19-12, tổng số ngư dân trú tránh trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa là khoảng 700 người với 73 lượt tàu.
Bão số 9 đã làm tốc mái trên 2.550 m2 ngói, làm vỡ trên 100 m2 kính cường lực; hỏng 220 tấm pin năng lượng mặt trời... ở Trường Sa; 90% cây cối trên đảo Song Tử Tây bị trốc gốc và gãy. Tại Trạm Khí tượng đảo Song Tử Tây, 2 cột đo gió bị gãy đổ vì gió mạnh; hệ thống quan trắc bị gián đoạn.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra công tác phòng chống bão số 9. Ảnh: QUANG NHẬT
UBND TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cho biết hơn 100 bè du lịch và nuôi tôm hùm bị bão số 9 đánh tan, thiệt hại ban đầu ước tính hơn 200 tỉ đồng, nặng nhất là khu vực đảo Bình Hưng thuộc xã Cam Bình. Ngoài ra, khu vực Tu Bông thuộc huyện Vạn Ninh có gió rất mạnh. Hàng đoàn xe chạy trên Quốc lộ 1 khi qua đây đã phải dừng lại, kéo dài hơn 5 km.
Tại tỉnh Bình Thuận, bão số 9 làm 1 người chết, ít nhất 8 tàu thuyền bị chìm, trôi dạt. Nạn nhân là anh Lê Văn Khanh (38 tuổi, trú xã Chí Công, huyện Tuy Phong), chủ thuyền đánh cá. Trong lúc bơi thúng từ bờ ra kiểm tra thuyền neo đậu vào sáng 19-12, sóng lớn làm lật thúng khiến anh bị chấn thương vùng đầu và tử vong.
Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cho hay đảo này đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 9-10 kèm theo mưa to, sóng biển cao 4-6 m. Nhiều diện tích trồng tỏi bị hư hại, một số cây cối bị ngã đổ. Huyện Lý Sơn đã di dời một số hộ dân ở khu vực nguy hiểm ở đảo Bé đến nơi an toàn, chuẩn bị sẵn sàng các phương án và lực lượng triển khai khi có tình huống khẩn cấp.
Đến trưa 19-12, tỉnh Quảng Ngãi đã di dời, sơ tán 525 hộ (1.499 người) ở TP Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn đi tránh bão.
Sẵn sàng ứng phó
Tại tỉnh Phú Yên, hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã hạ cao trình mực nước xuống 103,5 m so với mực nước thiết kế là 105 m. "Những ngày qua, chúng tôi phải chào giá 0 đồng, xả nước chạy máy hết công suất 400 m3/giây để giảm mực nước hồ nhằm đón lũ" - ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho hay.
Ôtô xếp hàng dài 5 km do gió mạnh ở khu vực Tu Bông, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: HỒNG ÁNH
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Phú Yên, ngày 19-12, tỉnh đã khẩn cấp di dời 3.800 người đang nuôi hải sản ngoài biển vào bờ. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, lo ngại nếu mưa lớn sẽ ảnh hưởng đến 850 ha lúa vừa xuống giống cũng như 1.400 ha lúa mùa chưa thu hoạch.
Tại Thừa Thiên - Huế, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy và ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã đi kiểm tra ở nhiều địa phương vùng biển. Ông Minh nhận định đây là cơn bão trái mùa, có diễn biến phức tạp nên các địa phương không được chủ quan; phải hoàn thành sơ tán, di dời dân trong chiều 19-12 và bảo đảm an toàn chống dịch.
Tại xã đảo Tân Hiệp (Cù lao Chàm), TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9 đã xuất hiện từ sáng 19-12. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời các hộ có nhà sát biển đến nơi an toàn. Theo dự báo, tổng lượng mưa ở các địa phương tại Quảng Nam đợt này phổ biến từ 80 - 150 mm, có nơi trên 200 mm; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở đồng bằng.
Trong khi đó, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai, Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đã có công điện đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai các phương án phòng chống bão, gió mạnh, lũ, lũ quét và sạt lở đất.
Bão liên tục đổi hướng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, sau đổi hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km.
Đến 16 giờ ngày 20-12, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè biển trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
V.Duẩn
Bình luận (0)