Thừa Thiên- Huế: Sông Bồ sẽ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến trưa 5-11, lũ trên các sông ở địa phương này đang lên rất nhanh do mưa lớn. Mực nước tại các sông như sông Hương; sông Bồ tại Phú Ốc đều trên mức báo động 3 và đang tiếp tục dâng cao. Đặc biệt là tại sông Bồ khả năng vượt lịch sử năm 1999 là 0,12m.
Cụ thể sông Hương tại Kim Long lên mức 4,2 m, trên mức báo động 3 là 0,7m; sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 5,3 m, trên mức báo động 3 là 0,8m và trên mức lũ lịch sử năm 1999 là 0,12m. Hiện, các hồ thủy điện, thủy lợi tại tỉnh này đang thực hiện việc điều tiết lũ. Trong đó, thủy điện Hương Điền (sông Bồ) xả về hạ du 500 m3/s; thủy điện Bình Điền (sông Hương) xả về 4.000 m3/s.
Clip Công an Thừa Thiên - Huế điều tiết lưu thông tránh lũ
Một số hình ảnh ngập lụt kinh hoàng ở Thừa Thiên - Huế:
Theo ghi nhận, đến 12 giờ cùng ngày, trung tâm TP Huế đã ngập sâu ở nhiều tuyến đường như Hùng Vương, Bến Nghé, Đống Đa...
Trên QL 1A đoạn Cầu Hai, thuộc thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc do mưa to, nhiều đoạn đường ngập sâu từ 0,4 đến 0,5m, gây ách tắc giao thông kéo dài. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Công an huyện Phú Lộc đã huy động cán bộ chiến sỹ tổ chức điều hoà giao thông trên toàn tuyến. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã bố trí chốt chặn đoạn đường nước bị ngập sâu, điều hoà, hướng dẫn cho lái xe ô tô, xe máy lưu thông an toàn, tránh vực sâu, nguy hiểm; hạn chế ùn tắc và tránh tai nạn giao thông đáng tiếc.
Quảng Nam: Cận cảnh 24.000 hộ dân ở huyện "rốn lũ" ngập lụt
Huyện Đại Lộc – vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Nam đang bị ngập nặng trong nước, các tuyến đường dẫn đến trung tâm huyện bị tê liệt hoàn toàn.
Từ ngày 1-11 đến nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc – vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Nam đã có mưa to đến rất to, kết hợp với việc xả lũ của hồ thủy điện sông Tranh, sông Bung 4, Đăk Mi 4 làm cho mực nước các sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 9.54 m, trên mức báo động III 0,54 m và sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 8,69 m, dưới báo động III là 0.09 m, gây ngập nhà dân và thiệt hại một số diện tích vùng đất màu ven sông của nhân dân đã và đang xuống giống sản xuất vụ Đông 2017.
Lũ ở Quảng Nam
Theo thống kê của huyện Đại Lộc tính tới 9 giờ sáng 5-11, tại địa phương này đã có một người bị thương. Cụ thể, ông Đinh Văn Dưỡng, sinh năm 1973, thường trú tại thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa, bị điện giật trong lúc dọn lụt và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc có khoảng 24.000 hộ dân bị ngập lụt, trong đó có nhiều nơi bị ngập sâu, nước lũ cô lập. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại huyện Đại Lộc vào thời điểm hiện tại đã chìm trong biển nước. Tại các tuyến đường nước ngập sâu, cơ quan chức năng cắt cử lực lượng rào chắn cấm người qua lại để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. Khắp các thôn xóm, người dân tất tả dọn đồ đạc đưa lên những nơi khô ráo, nhiều người dùng ghe thuyện vận chuyển tài sản, vật nuôi đến những nơi cao hơn.
Bà Lê Thị Thúy (thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) cho biết nước bắt đầu tràn vào nhà khoảng 22 giờ tối 4-11, từ khuya đến sáng nay nước lên rất nhanh, đến sáng 5-11 thì nước vẫn dâng nhưng dâng chậm, có lẽ là do các thủy điện đã được chỉ đạo giảm mức xả lũ xuống hạ du.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Đại Lộc là ở thượng nguồn vẫn đang mưa lớn trong khi các thủy điện vẫn đang xả lũ nên dự kiến nước sẽ tiếp tục dâng cao.
Một số hình ảnh vùng "rốn lũ" Đại Lộc:
Tại TP Hội An, đến trưa 5-11, nước cũng bắt đầu tràn vào nhà dân, hiện nay tại nhiều vùng thấp trũng và một số khu vực trong phố cổ đã bị ngập nặng.
Phố cổ Hội An ngập nặng
Lũ chia cắt Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi:
Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chia cắt vùng rốn lũ huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) thành hai khu vực riêng biệt, nơi nước ngập sâu, nơi chưa có giọt nào.
Ngày 5-11, ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết nước lũ lên nhanh khiến nhiều xã trong huyện bị ngập nặng. Theo đó, các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Liên ngập sâu từ 1m đến hơn 2m. Đường vào xã Hòa Liên bị chia cắt hoàn toàn. Phương tiện đi lại duy nhất là canô máy.
Tuyến đường Quốc lộ 14B nối huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và xã Đại Lộc (Quảng Nam) cũng đã bị phong tỏa. Hiện các lực lượng chức năng đang chốt chặn không cho người dân lưu thông để đảm bảo an toàn.
"Tôi cùng các lãnh đạo huyện đang trực tiếp đến vùng rốn lũ để thị sát. Huyện đã chuẩn bị các phương án ứng cứu dân. Người dân ở vùng thấp trũng đang được di dời đến nơi an toàn", ông Hành cho biết.
Ông Trần Việt Tuấn, ngụ huyện Hòa Vang, cho hay đợt lũ này nước lên nhanh ở các xã Hòa Phong, Hòa Khương là do xuất hiện tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam.
"Tuyến đường cao tốc ngăn đôi huyện Hòa Vang nên nước không thể thoát kịp. Các xã trước đây thường bị ngập nặng như Hòa Châu đến giờ này vẫn chưa thấy nước lũ. Nếu mưa tiếp tục lớn và thủy điện tăng cường xã lũ thì các xã phía trên đập tiếp tục bị ngập nặng còn các xã phía dưới đập chỉ bị ngập nhẹ", ông Tuấn nhận định.
Hình ảnh ngập lụt vùng ven trung tâm TP Đà Nẵng:
Trong khi đó tại các quận trung tâm Đà Nẵng, hàng nghìn người dân, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu đã ra quân dọn vệ sinh môi trường và bảo đảm cảnh quan các tuyến đường phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 như: Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt...
Anh Nguyễn Thành, trú phường Mân Thái (quận Sơn Trà), cho biết dù trời còn mưa và gió to nhưng nhiều người dân ở chung cư vẫn ra đường dọn dẹp.
"Chúng tôi làm việc này để góp phần nhỏ cho sự thành công của APEC như lời kêu gọi của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Việc làm này tuy nhỏ nhưng chứng minh mỗi người dân Đà Nẵng đều hết lòng vì thành phố", anh Thành nói.
Quảng Ngãi: Lũ lên cao nhiều nơi bị chia cắt
Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, tính đến trưa 5-11, do ảnh hưởng của bão số 12 nên tại Quảng Ngãi có mưa rất to. Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 4-11 đến sáng 5-11 phổ biến ở mức từ 170-250mm. Một số nơi mưa rất to như Thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) 305mm, huyện Trà Bồng: 384mm.
Ngập lụt ở Quảng Ngãi
Do mưa lớn liên tục nên lũ trên các sông trong tỉnh sau khi rút xuống đã bắt đầu tăng cao trở lại. Do mưa lớn kéo dài nên nhiều hồ chứa nước trên địa bàn Quảng Ngãi đã đạt dung tích 100%. Trong khi đó, tại tuyến đường Quốc lộ 24B đi các huyện Sơn Hà, Trà Bồng đã bị nước lũ chia cắt, nhiều nơi ngập sâu đến gần 1m. Để tránh gây thiệt hại về người và tài sản, chính quyền địa phương đã lập tổ công tác, túc trực 24/24 nhằm ngăn chặn người dân qua lại. Sở cảnh sát PCCC Quảng Ngãi cũng điều hàng chục chiến sĩ, xe thang đến địa điểm nói trên giúp người dân qua lại an toàn. Tương tự tại tuyến đường 24B đi các xã Tịnh Hòa , Tịnh Thiện (huyện Sơn Tịnh) cũng bị nước lũ chia cắt. Lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương lập rào chắn, biển cảnh báo không cho người qua lại.
Một số hình ảnh lũ ở Quảng Ngãi:
Một số tuyến đường nối về các huyện miền núi bị chia cắt trong lũ sáng 5-11
Nhiều nhà dân ở Quảng Ngãi ngập sâu trong lũ.
Bất chấp nguy hiểm, nhiều người vẫn cố vượt qua địa điểm bị lũ chia cắt
Hàng loạt nhà dân bị ngập chìm trong cơn lũ sáng
Để chủ động đối phó mưa lũ, nhiều địa phương đã tổ chức di dời dân đến nơi an toàn. Tại huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) sáng 5-11 đã tổ chức di dời hơn 114 hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt tại đến nơi an toàn tại các thôn Bầu Sơn, Canh Mo và Xà Nay, xã Sơn Nham (huyện Sơn Hà).
Bình Định: Bão tan, lũ nhấn chìm nhà dân trong biển nước
Sáng 5-11, nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về khiến nhiều khu vực tại TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Vân Canh chìm trong biển nước. Tại TP Quy Nhơn, các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu bị ngập nặng nhất. Nhiều tuyến đường trong thành phố bị ngập sâu hơn 1m và không ít nhà dân ngập gần 2m, gây khó khăn trong việc sinh hoạt cũng như đi lại.
Dân TP Quy Nhơn phải dùng thuyền để đi qua những đoạn đường bị ngập sâu
Lực lượng cứu hộ di dời các hộ dân phường Nhơn Phú bị ngập lụt đến nơi an toàn
Bên cạnh TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước cũng lâm vào cảnh tương tự. Nhiều đoạn trên Tỉnh lộ ĐT 640 từ thị trấn Tuy Phước đi các xã Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Hòa bị ngập sâu hơn 1m khiến giao thông chia cắt. Để đi qua các đoạn ngập này, người dân địa phương phải tăng bo bằng xe ben.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tính đến thời điểm hiện nay bão lũ đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh, đặc biệt là tại khu vực TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Vân Canh hiện vẫn còn 10 phường, xã còn đang ngập. Ngoài ra, bão lũ đã làm 3 người chết, 6 người mất tích; 81 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 446 ngôi nhà bị hư hỏng.
Một số hình ảnh ngập lụt ở Bình Định:
Người TP Quy Nhơn phải dùng thuyền để đi qua đoạn ngã 3 Long Vân
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập một số tuyến đường ở huyện Tuy Phước
QL19 qua TP Quy Nhơn bị ngập nặng
Quảng Trị: Nhiều bản làng miền núi bị cô lập hoàn toàn
Đến trưa 5-11, mực nước sông Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) dâng cao khiến nhiều tuyến đường có ngầm, đập tràn, cầu nằm ở vị trí thấp bị nước nhấn chìm từ 1- 3m, như ở các xã Ba Nang, A Vao, Ba Lòng, Triệu Nguyên và một số thôn, bản ở xã Đakrông.
Nước sông Đakrông dâng cao khiến nhiều bản làng bị cô lập hoàn toàn
Có mặt tại tuyến đường xã Ba Nang (huyện Đakrông) theo quan sát của chúng tôi, cầu Ba Nang bị ngập sâu gần 2 m. Mưa lớn đã gây sạt lở nặng tại Km5+300 với khối lượng 500 m3 đất đá; tại cầu tràn Đá Đỏ ở Km5+800 nước đã vượt ngưỡng cầu 2 m, làm chia cắt hoàn toàn đường vào trung tâm xã Ba Nang. Nước sông Đakrông vẫn tiếp tục dâng cao khiến nhiều người dân không về nhà được, phải đứng chờ nước rút hoặc tá túc lại nhà người thân.
Điểm cầu xã Ba Nang bị nước dâng cao, chia cắt
Ông Hồ Văn My, Chủ tịch UBND xã Ba Nang cho biết, toàn xã có trên 600 hộ dân và 3000 nhân khẩu bị chia cắt hoàn toàn do nước sông Đakrông dâng cao. " Các thôn như A La, Ba Nang, Tà Rẹc với hàng trăm hộ dân bị cô lập nặng, chúng tôi đã vận động gần 100 hộ dân ở các điểm sạt lở, dễ xảy ra nguy cơ lũ ống, lũ quét di dời đến nơi an toàn.",ông My nói.
Nước ở thủy điện Đakrông 2, dâng cao tràn ra đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Đakrông, huyện Đakrông
Ngoài xã Ba Nang, ở tuyến đường 558A, điểm cầu tràn xã Ba Lòng (huyện Đakrông) mực nước vượt tràn gần 3 m gây chia cắt giao thông, cô lập và làm ngập ở một số vùng thấp thuộc các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc.
Trước tình hình trên, các địa phương này đã chủ động rà soát kế hoạch sơ tán dân và sẳn sàng triển khai sơ tán dân khi nước lũ dâng cao; riêng tại các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên thuộc huyện Đakrông đã triển khai sơ tán tài sản người dân ở một số vùng thấp.
Tại huyện Hải Lăng, địa phương vùng trũng của tỉnh Quảng Trị hiện có mực nước trên các sông dâng cao trên mức báo động 2. Một số tuyến đường ở vùng thấp trũng thuộc huyện Hải Lăng bị ngập nhiều điểm hơn nửa mét; các tuyến đường liên thôn ở vùng càng, thấp trũng như xã Hải Hòa, xã Hải Thành bị chia cắt.
Clip: Nước sông Đakrông dâng cao gây chia cắt xã Ba Nang
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, yêu cầu các địa phương không được chủ quan trước diễn biến bất thường của thời tiết, phải lên kịch bản di dời dân, đến khi mà bị chia cắt rồi thì không di dời được lúc đó rất nguy hiểm. Yêu cầu Chủ tịch các UBND huyện phối hợp với ngành giáo dục chủ động, nếu mưa to thì cho học sinh nghỉ học không cần lệnh của tỉnh nữa.
Đối với những công trình thủy lợi, thủy điện, hồ đập nào không tích nước được, có nguy cơ mất an toàn đề nghị không tích thêm nước. Phải giữ trực ban liên lạc giữa ban chỉ huy của tỉnh với các địa phương để thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.
Bình luận (0)