Dù bão số 10 chưa vào, nhưng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế trong sáng 14-9, có nhiều nơi mưa rất to, gió giật mạnh khiến cây xanh nhiều nơi ngã đổ. Các địa phương đã lên phương án di dời dân.
Khoảng 11 giờ cùng ngày, khi chiếc xe ô tô con biển xanh 75C-6767 (chưa rõ người điều khiển), khi lưu thông từ hướng đường Phạm Văn Đồng qua đường Bà Triệu, đến đoạn chân cầu Vĩ Dạ (TP Huế) thì bất ngờ bị cây xanh gãy đổ đè lên. Vụ tai nạn xảy ra không gây thương vong về người nhưng khiến giao thông tắc nghẽn trong thời gian ngắn, người đi đường phải chặt cây gãy để đưa người ra khỏi xe.
Chiếc xe ô tô bị cây xanh đè kín
Còn tại khu vực ven biển các xã Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang); xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) cũng xảy ra mưa lớn từng đợt kèm gió mạnh. Người dân các xã này đã tiến hành chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền ở nơi an toàn.
Cảnh tàu cá vào cảng sáng nay
Tại Cảng cá Thừa Thiên - Huế, trong sáng cùng ngày có hàng chục tàu thuyền đánh cá xa bờ ở địa phương và ngoại tỉnh cập cảng, việc mua bán ở đây khá tấp nập.
Ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tại địa phương này đang ở mức thấp và an toàn, không có công trình nào đang triển khai thi công. Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện tăng cường kiểm tra để đảm bảo tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương.
Đưa ghe lên bờ trước bão
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có phương án sơ tán khoảng 26.977 hộ/106.104 nhân khẩu ở các vùng nguy hiểm.
Quảng Trị: Không để tổn thất lớn xảy ra
Đến sáng 14-9, tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi được 2.258 thuyền vào khu vực neo đậu an toàn, nhưng vẫn còn 54 tàu thuyền và gần 600 người đang hoạt động trên biển.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết công tác phòng chống cơn bão số 10 trên địa bàn đang được triển khai khẩn trương. Trong đó: Đình chỉ tất cả các cuộc họp từ tỉnh đến xã để chuẩn bị phòng chống bão lụt; cho học sinh tất cả các cấp nghỉ học từ chiều nay và ngày mai, tập trung các giáo viên và học sinh các cấp phổ thông trung học vận chuyển trang thiết bị trong trường học lên vị trí cao, chằng chống trường lớp an toàn, sử dụng bao ni-lon bao bọc tài liệu dễ hư hỏng đến nơi khô ráo; rà soát kiểm tra neo đậu tàu thuyền sao cho khoa học tránh gây va đập khiến tàu thuyền hư hại, đặc biệt yêu cầu lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương kiểm tra kiên quyết không để người dân sống trên tàu thuyền. "Cố gắng làm thế nào đó để không xảy ra thiệt hại về tính mạng của người dân, đó là điều đặt lên hàng đầu, về tài sản thì có biện pháp không để tổn thất lớn xảy ra"- ông Chính nói.
Người dân Quảng Trị đang đưa tàu thuyền vào neo đậu tại khu tránh trú bão Nam Cửa Việt, xã Triệu An, huyện Triệu Phong
Người dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh chống lại nhà cửa
Tàu thuyền Quảng Trị được neo đậu sát lại với nhau tại khu vực tránh trú bão
Quảng Bình: Còn 243 tàu với 2.088 lao động đang hoạt động trên biển
Theo ghi nhận của PV Báo Người Lao Động, trong đêm 13 đến trưa 14-9, tại Quảng Bình đã xuất hiện những đợt mưa lớn, kéo dài. Hiện tại, công tác phòng chống bão số 10 đang được tiến hành rất khẩn trương, quyết liệt đồng bộ từ phía chính quyền và người dân. Theo thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cung cấp, tính đến 10 giờ ngày 14-9, công tác kiểm đếm tàu thuyền trên địa bàn cho thấy toàn tỉnh có tổng số 4.009 phương tiện với 17.162 lao động. Trong đó, còn 243 tàu với 2.088 lao động đang hoạt động trên biển không có tàu thuyền nào hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Được biết, hiện chính quyền các địa phương ở tỉnh Quảng Bình cũng đã triển khai các phương án phòng, chống để giảm tối thiểu thiệt hại do bão số 10 gây ra.
Gấp rút tìm chỗ neo đậu an toàn tại cảng Nhật Lệ (Quảng Bình)
Ngư dân Quảng Bình khẩn trương làm việc dưới mưa
Nhiều tàu thuyền Quảng Bình đã vào nơi neo đậu an toàn
Hà Tĩnh: Người dân "ốc đảo" Hồng Lam căng mình chạy bão
Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trước "siêu bão" số 10, lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân và xã Xuân Giang, tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương giúp người dân vùng ốc đảo Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân di dời người già trẻ em đến nơi an toàn để tránh bão."Ở cái "ốc đảo" ni năm mô cũng có lũ lụt, nhưng chưa có năm mô bão lại to như năm ni nên chúng tôi rất lo lắng. Biết là còn người còn của nhưng giờ chỉ mỗi chồng ở lại để vừa trông nhà vừa lo cho gia súc, gia cầm nên tôi đi mà lòng như lữa đốt các chú ạ"- chị Cao Thị Quyên (30 tuổi ở "ốc đảo" Hồng Lam) than thở.
Thanh niên tình nguyện giúp đỡ người dân
Ông Nguyễn Văn Ngọ (74 tuổi) thương binh ¼ được lực lượng chức năng đưa lên thuyền vào nơi an toàn.
Lực lượng chức năng của xã và huyện giúp người già lên thuyền vào bờ để tránh bão
Người dân vùng "ốc đảo" tại trường mầm non
Chị Quyên dắt theo 3 đưa con nhỏ chạy bão trong lo lắng
Trước đó, sáng ngày 14-9, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các cơ quan ban ngành đã tiến hành thị sát các điểm xung yếu để cùng người dân gia cố nhà cửa, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà cùng ngư dân ở nơi đậu thuyền an toàn tại Cảng cá Cửa Sót.
Có mặt tại cảng Cửa Sót, huyện Lộc Hà, lãnh đạo tỉnh và huyện cùng với ngư dân đang tích cực cho thuyền vào nơi neo đậu an toàn.
Tại bãi biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, người dân đang hối hả chạy đua với thời gian để chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, thu dọn đồ đạc đến nơi an toàn trước lúc bão số 10 đổ bộ vào đất liền.
Tại Trường mần non Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, các cô giáo của trường cũng đang tích cực chặt tỉa cành cây, lấy cát cho vào bao tải để chằng chống hệ thống mái nhà cho trường nhằm tránh thiệt hại khi bão đổ bộ.
Một người phụ nữ trèo lên cây để chặt tỉa cành trước lúc bão đổ bộ vào đất liền
Người dân kinh doanh tại bãi biển Xuân Thành thu dọn đồ đạc...
... và chằng chống hàng quán
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc cảng cá Cửa Sót, cho hay tính đến thời điểm hiện tại Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Sót só 261 tàu cá đã cập bờ neo đậu an toàn, tại Cảng cá Xuân Hội có 67 tàu và tại khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Nhượng có 154 tàu đã vào nơi neo đậu an toàn.
Theo thông tin từ ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 6.102 tàu thuyền với 17.676 lao động, song hiện có 1.850 tàu thuyền với 6.898 người hoạt động trên biển. Trong đó, số tàu đánh bắt xa bờ là 480 tàu với 2.570 người; tàu đánh bắt ven bờ có 1.370 tàu với 4.328 người đã liên lạc và nắm bắt được thông tin về bão số 10. Tại vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh có 152 tàu với 875 người; tại vùng biển Bình Thuận-Vũng Tàu có 3 tàu với 34 người; tại vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi có 6 tàu với 36 người; đánh bắt ven bờ hoạt động từ vùng biển Nghệ An đến Quảng Bình có 1.370 tàu với 4.328 người.
Các cô giáo tại Trường mần non Xuân Thành hối hả chặt tỉa cành cây...
... và xúc cát cho vào bao tải để chằng chống hệ thống mái nhà cho nhà trường
Một người đàn ông trèo lên cây để chặt tỉa cành giúp các cô
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, từ chiều 13-9, nhiều hồ đập lớn thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý đã tiến hành xả tràn. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Hà Tĩnh, cho biết hiện tại công ty đã tiến hành xả lũ một số hồ đập lớn như: Hồ Kẻ Gỗ, Sông Trí, Kim Sơn, Tàu Voi và Sông Rác.
Nghệ An: Hối hả chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa
Thanh Hóa sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân
Tàu thuyền, bè mảng của ngư dân Sầm Sơn được di chuyển lên đường Hồ Xuân Hương tránh "siêu bão" số 10
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào trưa ngày hôm nay 14-9, thời tiết tại Thanh Hóa nhiều nơi có mưa nhỏ, rải rác, trời nhiều mây mù. Tại TP Sầm Sơn, hàng ngàn hàng ngư dân hành nghề bè mảng gần bờ đã ngưng ra khơi, tập trung di chuyển tàu thuyền, bè mảng đến nơi an toàn để ứng phó với "siêu bão" số 10.
Tại các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Quảng Cư, xã Quảng Hùng, Quảng Đại (TP Sầm Sơn), người dân đã tiến hành di dời hàng ngàn phương tiện đánh bắt, ngư lưới cụ vào bờ tránh bão. Đã có cả ngàn chiếc bè mảng được đưa lên dọc hai bên vỉa hè đường Hồ Xuân Hương che đậy, chằng chéo.
Ngư dân Sầm Sơn cho biết đây được xem là một cơn bão lớn, có sức công phá mạnh. "Cơn bão này được dự báo rất mạnh. Chúng tôi phải di chuyển bè mảng lên đường Hồ Xuân Hương để tránh sóng lớn đánh vỡ mất phương tiện là cần câu cơm của gia đình" – một ngư dân cho hay.
Ngư dân ven biển Thanh Hóa hối hả di chuyển thuyền, bè đến nơi an toàn
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 15 giờ ngày 14-9, đã có 7.409 phương tiện nghề cá với 27.190 lao động, trong đó có 6.177 phương tiện với 20.232 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn tại các bến, bãi, âu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hóa vẫn còn 1.232 phương tiện với 6.958 lao động đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các phương tiện này đều đã liên hệ được với gia đình và chính quyền địa phương, đồng thời đã tìm được nơi tránh trú an toàn.
Các ngư lưới cụ cũng được di chyển vào bờ
Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu vận tải và tàu du lịch), tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản.
Đơn vị này cũng thường xuyên chỉ đạo các đài thông tin báo bão thông báo vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của cơn bão số 10, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn, đồng thời nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão số 10 có thể đổ bộ vào Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch các trà lúa chín sớm để hạn chế thiệt hại với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Nhiều cây xanh dễ đổ gãy cũng được cắt tỉa để tránh siêu bão
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị các huyện, thành phố ven biển rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển, các khu du lịch khi có lệnh. Các huyện miền núi chủ động tổ chức đi dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản...
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa có 57.801 hộ với 247.867 người dân đang sinh sống ở khu vực mép nước, cửa sông, ven biển. Khi có lệnh, số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ biển 200 m là 8.599 hộ với 765 người. Số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ viên từ 200-500 m là 12.695 hộ với 35.537 người. Vị trí sơ tán đến tập trung tại các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, UBND các xã, phường, thị trấn và các nhà cao tầng trong khu vực
Bình luận (0)