Hàng trăm người dân, cán bộ tập trung ở một bến thuyền để sẵn sàng đưa lương thực, nước uống tiếp tế cho người dân.
Tình trạng ngập lụt diện rộng vẫn còn xảy ra trên hạ lưu các sông ở Quảng Bình, đặc biệt các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy...
Tỉnh Quảng Trị đã có 6 người mất tích và 2 người tử vong. Riêng huyện miền núi Hướng Hóa có 4 người mất tích và công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang được tiếp tục. Trên vùng biển Quảng Trị có 3 tàu bị chìm, 2 tàu mắc cạn và 1 tàu trôi dạt với hàng chục thuyền viên; trong đó có 10 thuyền viên trên tàu Vietship 01 đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Quảng Trị đang khẩn trương cứu hộ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho các thuyền viên.
Cảnh ngập lụt ở vùng “rốn lũ” Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình) ngày 9-10 Ảnh: HOÀNG PHÚC
Rất nhiều tuyến đường ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị ngập nước khiến các phương tiện lưu thông khó khăn. Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Hương Thủy ngập nặng, gây ách tắc giao thông. Phong Điền là huyện bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nề nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế với 1 người chết, 4 người bị thương. Trong số 2.170 ngôi nhà toàn tỉnh bị ngập thì Phong Điền có đến 1.900 nhà, 1.001 hộ với 2.539 người phải sơ tán.
Trong chiều 9-10, lệnh vận hành hồ chứa thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ được cơ quan chức năng phát đi. Theo đó, thủy điện này phải điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh gây đột biến; đồng thời điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Lệnh vận hành khiến người dân sống dọc sông Bồ và hạ lưu con sông này càng lo lắng hơn vì nước sẽ dâng cao, ảnh hưởng đến nhiều lồng cá nuôi và rau màu.
TP Đà Nẵng vẫn có mưa to liên tục khiến ngập úng tại một số xã ở huyện Hòa Vang. Tại vùng ngập nặng với gần 100 hộ, huyện đã chỉ đạo các ngành địa phương thực hiện nạo vét thoát lũ. Theo thống kê ban đầu, Hòa Vang thiệt hại hơn 35 ha hoa màu, tràn bờ ao nuôi tôm với diện tích 8,7 ha, 4 trang trại nấm rơm bị hư hỏng hoàn toàn. Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, đã đi kiểm tra thực tế tại các điểm ngập ở huyện Hòa Vang và yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi tình hình ngập úng, khơi thông thoát nước và có kế hoạch sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có lũ.
Trong ngày, nước trên các sông ở tỉnh Quảng Nam xuống chậm, mưa cũng đã giảm. Theo thống kê ban đầu, mưa lũ đã gây thiệt hại nhiều nơi ở các huyện miền núi. Cụ thể, huyện Đông Giang có 41 nhà bị ngập nước, 22 nhà bị sạt lở; Đại Lộc có 300 nhà bị ngập nước... Hàng loạt tuyến đường tiếp tục sạt lở, chia cắt giao thông. Một số trường học trên địa bàn Tây Giang, Nam Trà My, Nam Giang, Tiên Phước cũng bị thiệt hại...
Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa nhỏ. Mực nước trên các sông đã xuống dưới báo động 1. Hiện đã có 195 ha rau, màu tại TP Quảng Ngãi và 47 ha hành của nông dân huyện Lý Sơn thiệt hại. Hơn 16 ha diện tích hồ nuôi tôm tại huyện Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi bị thiệt hại với tổng sản lượng 18,2 tấn. Nhiều tuyến đường giao thông tại các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây sạt lở. Huyện Ba Tơ đã có 1 người chết do mưa lũ.
Chuẩn bị ứng phó áp thấp nhiệt đới
Chiều 9-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên, các bộ - ngành, yêu cầu ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Lúc 13 giờ cùng ngày, trung tâm vùng ATNĐ ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 360 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 6-7, giật cấp 9.
Tính đến sáng 9-10, mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên đã làm 4 người chết, 9 người mất tích.
V.Duẩn
Bình luận (0)