Ngày 21-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa và Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa tổ chức đoàn kiểm tra các hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn hồ đập khi mùa mưa năm nay dự báo sẽ phức tạp hơn các năm trước.
Thông tin với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Anh Kiệt, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, cho biết năm nay khu vực này phải đối mặt với hiện tượng ENSO có nhiều diễn biến phức tạp.
Hiện tượng ENSO do 2 hiện tượng El Nino (nóng lên không bình thường) và La Nina (lạnh lên không bình thường) của đại dương và SO (giao động Nam khí quyển) xảy ra trên xích đạo Thái Bình Dương liên kết lại, tạo thành một hiện tượng kép. Ảnh hưởng của ENSO, dự báo từ giữa tháng 9 đến hết năm 2021, trên khu vực biển Đông còn có khả năng xuất hiện từ 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Tổng lượng mưa phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20%-40%. Mưa nhiều kéo dài đến tận tháng 3-2022, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình từ 10%-20%. Tổng lượng mưa từ nay đến hết tháng 3-2022 từ 900-1.100 mm. "Trên các sông ở Khánh Hòa có khả năng xuất hiện từ 4-6 đợt lũ, trong đó có 2-3 đợt lũ ở mức báo động 2-3, có sông trên mức báo động 3" - ông Kiệt khuyến cáo.
Nâng cấp hồ Khe Ngang tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.Ảnh: Quang Tám
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, hiện nay ban đã trình phương án phòng chống thiên tai lên UBND tỉnh Khánh Hòa để chủ động ứng phó khi tỉnh này bước vào mùa mưa để UBND tỉnh này phê duyệt. Trong khi đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng giao trách nhiệm cho UBND TP Nha Trang có phương án chủ động di dời các hộ dân tại các điểm xung yếu để an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Cùng ngày, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký công văn về việc tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thủy điện mùa mưa lũ năm 2021. Hiện tỉnh Quảng Nam xác định 93 điểm có nguy cơ sạt lở và đã công bố rộng rãi cho địa phương và đề nghị có biện pháp cảnh báo cho người dân, không được quy hoạch bố trí dân cư và phải có biện pháp cảnh báo trong mùa mưa bão.
Tại tỉnh Bình Định, ông Hồ Ðắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết thời gian qua, sở đã đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo hiện trạng an toàn đập trước mùa mưa lũ. Hiện có 12 hồ chứa nhỏ bị hư hỏng nặng đã được hạn chế tích nước; 12 khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, đá. Hiện Bình Định đã lên kế hoạch di dời, sơ tán dân tại các khu vực này khi cần thiết.
Để ứng phó với tình hình mưa bão trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan, ban ngành cũng như các địa phương tại tỉnh Hà Tĩnh hiện đã lên phương án phòng chống bão, lũ với phương châm "4 tại chỗ". Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết hiện các địa phương cũng như lực lượng chức năng đã có phương án sơ tán dân ứng phó với trường hợp bão mạnh và siêu bão, phương án sơ tán dân vùng thường xuyên bị ngập lụt, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và phương án sơ tán dân vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra các hồ đập, gấp rút sửa chữa những nơi thiếu an toàn và lên phương án sơ tán dân nếu xảy ra thiên tai bất ngờ.
Bình luận (0)