Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) là cụm cảng biển có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017 và là một trong 21 cảng trên thế giới có thể đón tàu đến 200.000 tấn, mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển và logistics ở CM-TV chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do đó, khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực chưa cao, chưa trở thành cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại 1A), chưa đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế theo chủ trương đã đề ra.
Đề xuất hàng loạt giải pháp
Trước thực trạng trên, đại tá Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đề nghị cần nâng cấp ngay tuyến luồng Vũng Tàu - Thị Vải từ phao số 0 vào khu vực bến cảng CM-TV chuẩn 14 m theo kế hoạch đã được Cục Hàng Hải phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu nạo vét luồng đến chuẩn tắc 16 m để đón các tàu container trọng tải lớn. Đặc biệt, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cần kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ chế chính sách, thủ tục đánh giá tác động môi trường, xử lý giải quyết việc lựa chọn khu vực nhấn chìm vật chất khi nạo vét vùng nước trước cảng, tạo điều kiện cho cảng thuận lợi trong tổ chức khai thác.
Ông Nguyễn Năng Toàn cho biết có đến 82% hàng hóa về cụm cảng CM-TV vẫn làm thủ tục thông quan tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Trong khi đó, BR-VT là tuyến đầu, chịu áp lực lớn về hạ tầng song thu ngân sách cho địa phương từ hoạt động khai thác cảng không lớn. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải tháo gỡ khó khăn về thủ tục, đẩy mạnh cải cách thủ tục theo hướng thông thoáng, đơn giản, thuận tiện; các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cần có văn phòng đại diện tại khu vực CM-TV để hỗ trợ khách hàng; đặc biệt, tính toán giao chỉ tiêu thu thuế xuất nhập khẩu được tính chung cho cả vùng kinh tế, không tách riêng cho từng tỉnh..., tạo sự công bằng trong sử dụng nguồn lực đầu tư của các địa phương.
Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép, một trong những cảng nằm trong cụm Cái Mép - Thị Vải, đón tàu container
Bà Phạm Thị Bảo Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Vina Logistics - đơn vị khai thác Cảng dịch vụ tổng hợp Hưng Thái, cho rằng hiện nay, quy hoạch của cảng thủy nội địa và ICD đều nằm sâu trong các sông rạch nhỏ, trong khi các nhà đầu tư và khai thác liên tục đầu tư đóng mới tăng size sà lan/tàu để đáp ứng nhu cầu thị trường và cắt giảm chi phí vận tải nội địa. Vì vậy, đề nghị ngành GTVT tiến hành quy hoạch lại luồng tuyến giao thông đường thủy nội địa tại khu vực CM-TV, đồng bộ với quy hoạch tuyến luồng giao thông quốc tế. Ngoài ra, các cầu đường bộ tại khu vực cần được thiết kế và xây dựng có độ tĩnh không bảo đảm cho sà lan container vận hành liên tục…
Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Khai thác tàu và Vận tải hãng tàu Maersk, đề nghị cần phát triển kết nối giao thông bằng đường bộ, đường sắt, đường sông đến các khu vực kinh tế trọng điểm lân cận với cụm cảng CM-TV. Theo vị giám đốc này, các nhà máy sản xuất, kho phân phối, các khu công nghiệp chủ lực nằm nhiều ở Bình Dương, Đồng Nai, ĐBSCL… nhưng chưa có sự kết nối giao thông hiệu quả từ CM-TV. Trong khi đó, kết nối giao thông từ TP HCM đến các khu vực này đã được hình thành, hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Đó là một trong các lý do lượng lớn luồng hàng dù qua CM-TV vẫn phải kết nối thông qua khu vực TP HCM.
"Khi mạng lưới hạ tầng đường bộ, đường sắt đã kết nối tốt từ CM-TV trực tiếp sang các khu vực nêu trên thì những lợi thế của cụm cảng CM-TV chắc chắn sẽ được phát huy" - ông Trần Hoàng Vũ khẳng định.
Địa phương đang gấp rút kết nối
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy BR-VT, mới đây, địa phương đã được trung ương đồng ý là chủ đầu tư 2 dự án lớn là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án cầu Phước An. Trong đó, cầu Phước An là dự án có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua việc kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với hệ thống cụm cảng CM-TV. Vậy mà, dù được phê duyệt từ năm 2009 nhưng phải hơn 10 năm sau, dự án mới bắt đầu triển khai những bước đầu tiên. Dự án này có tổng chiều dài 3,26 km với dự toán kinh phí 4.879 tỉ đồng.
"Trước đó, BR-VT có văn bản đề nghị trung ương bố trí 50% vốn, số còn lại tỉnh sẽ tự cân đối. Hiện nay, giữa BR-VT và Đồng Nai vẫn chưa thống nhất được vị trí do tỉnh Đồng Nai muốn dời qua vị trí mới và đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng" - ông Nguyễn Hồng Lĩnh thông tin.
Dự án thành phần số 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được ráo riết triển khai. Dự án thành phần này dài khoảng 46,8 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai là 34,8 km, qua BR-VT 12 km (bao gồm 3,2 km đường cao tốc và 8,8 km đoạn nhánh kết nối vào cụm cảng CM-TV). Dự án thành phần này sơ bộ có tổng mức đầu tư gần 15.000 tỉ đồng. Trong đó, BR-VT đề nghị trung ương bố trí một phần kinh phí khoảng 4.732 tỉ đồng, phần còn lại sẽ do tỉnh cùng nhà đầu tư BOT thực hiện.
Với dự án thành phần số 2 đoạn từ Phú Mỹ về Vũng Tàu dài 28 km và 2,8 km đường nối, đây là tuyến cuối đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối 3 đô thị của tỉnh là thị xã Phú Mỹ - TP Bà Rịa - TP Vũng Tàu. Tỉnh BR-VT đề nghị trung ương giữ nguyên đầu tư tuyến cao tốc khoảng 20 km, phần còn lại được tách ra khỏi quy hoạch đường cao tốc để tỉnh đầu tư tuyến đường trục chính đô thị. BR-VT chủ động huy động, thu xếp nguồn vốn và quyết định đầu tư dự án này.
Bí thư Tỉnh ủy BR-VT phân tích việc nhanh chóng làm dự án cầu Phước An để mở thêm tuyến đường liên cảng kết nối qua đường Vành đai 3, Vành đai 4, kết nối vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành; thúc đẩy nhanh tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và kết hợp nghiên cứu khả thi kéo dài tuyến đường sắt Thống Nhất về Cái Mép... có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cả vùng nói chung và cụm cảng CM-TV nói riêng.
"BR-VT cam kết trong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thành dự án cầu Phước An và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cùng với nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt kết nối tới CM-TV. Như vậy, với 3 tuyến giao thông kết nối này, đường vào cụm cảng CM-TV đã được mở bung, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá trong tương lai" - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Bộ GTVT bố trí vốn cho nạo vét
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhìn nhận cảng cũng như các dịch vụ bổ trợ thì nằm trên đất BR-VT nhưng tỉnh chỉ thu được một khoản rất nhỏ. Hàng hóa xuất nhập khẩu đều thông quan ở nơi khác nên thuế xuất nhập khẩu không có là bất cập, là thiệt thòi cho BR-VT.
Ngoài ra, theo ông Công, những dự án kết nối giao thông chậm so với kế hoạch đã làm ảnh hưởng đến công suất của cụm cảng CM-TV. "Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của BR-VT trong hướng tuyến của cầu Phước An. Đồng thời, sẽ bố trí vốn trung hạn hơn 1.000 tỉ đồng để nạo vét luồng hàng hải Cái Mép xuống -15,5 m để đón tàu lớn mà không phụ thuộc vào thủy triều như trước đây" - Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Đã chuẩn bị sẵn 20.000 tỉ đồng
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết nhiều năm qua, BR-VT xin ngân sách từ trung ương nhưng việc bố trí rất nhỏ giọt, không thể thúc đẩy được dự án và làm tỉnh mất đi cơ hội phát triển. Vì vậy, BR-VT xin Chính phủ cho phép lấy nguồn lực sẵn có của tỉnh và quỹ đất công để tạo thành nguồn lực đầu tư hạ tầng.
"Hiện BR-VT đã chuẩn bị 20.000 tỉ đồng từ nguồn lực tại chỗ để thực hiện những dự án trên. Trong đó, BR-VT đã có sẵn 7.000 tỉ đồng, phần còn lại sắp tới đây sẽ đấu giá nhiều khu đất công. Đồng thời, tỉnh cũng đã chuẩn bị 2.000 ha đất phát triển không gian cho logistics" - Bí thư Tỉnh ủy BR-VT nói.
Bình luận (0)