Ngày 25-2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (QH) tổ chức phiên giải trình "Về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19".
Tất cả đều có kịch bản, lộ trình
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Trả lời những băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) về chất lượng dạy học cũng như những khó khăn trong bối cảnh trường học mở cửa khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là thời điểm ngành giáo dục đứng trước thách thức chưa từng có, thách thức lớn và dịch ngày càng phức tạp. Trẻ quay trở lại trường học là mong muốn của phụ huynh và học sinh. Ngành giáo dục và ngành y tế sát cánh, trao đổi thường xuyên.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giải trình ngày 25-2 (Ảnh: THU HÀ)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sau khi chỉ đạo toàn ngành đưa học sinh quay lại trường học, bộ này đã có đoàn đi các địa phương để kiểm tra và thấy các địa phương rất quan tâm việc chuẩn bị. Tất cả đều theo hướng dẫn của 2 bộ và có kịch bản, lộ trình, diễn tập, chuẩn bị các điều kiện, qua đó cho thấy các địa phương quyết tâm.
"Đến 11 giờ ngày 25-2, dù mỗi địa phương có cấp độ dịch khác nhau nhưng số học sinh quay trở lại học trực tiếp đạt 88,25%" - ông Sơn nói và cho biết các địa phương linh hoạt căn cứ theo tình hình, không nên cứng nhắc. Về vấn đề xử lý F0 hay tổ chức dạy học bán trú cho học sinh, 2 bộ đã có hướng dẫn để xử lý những lo lắng cho các địa phương.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cũng cho rằng nhiều đại biểu băn khoăn khi mở cửa trường học nhưng cần căn cứ vào Nghị quyết 128 của Chính phủ. Người lớn thích ứng an toàn thì không thể không cho học sinh và sinh viên thích ứng an toàn, do đó không thể không cho các em đến trường. Qua thống kê, hầu hết các em bị lây nhiễm ở gia đình, ngoài xã hội, còn lây nhiễm trong trường học với tỉ lệ rất ít. Vì vậy, phương án mở cửa trường học là không thể khác và đây là thích ứng linh hoạt.
Có hướng dẫn chi tiết
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tiến độ công tác tiêm chủng đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên đã được mũi 1, 2, 3: mũi 1 đạt trên 99%; mũi 2 đạt 98%; mũi 3 là 32%. Trẻ từ 5-11 tuổi chưa tiêm nên Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng và Chính phủ đã có nghị quyết đồng ý cho Bộ Y tế mua 22 triệu liều vắc-xin tiêm cho trẻ ở lứa tuổi này.
"Có đại biểu và người dân cho rằng giờ mắc Covid-19 như là cúm thông thường nhưng khi chúng tôi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới thì họ nói nếu coi như cúm mùa là quá sớm và dịch còn phức tạp, chưa kết thúc trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới. Do đó, vẫn phải chống dịch trong giai đoạn mới" - ông Tuyên cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cùng bày tỏ sự quan tâm đến thực tế số ca Covid-19 tăng nhanh chóng, nhiều phụ huynh băn khoăn nếu không cho con đến trường thì sẽ ảnh hưởng đến quyền của học sinh, mà đưa con đến trường thì lại lo có an toàn không?
"Trẻ em nhiễm thì rất nhẹ, ít rủi ro nhưng những ngày qua chuyện hậu Covid-19 đối với trẻ lại gây ra tâm lý bất an cho phụ huynh. Vậy 2 bộ có giải pháp gì để dạy học trực tiếp và trực tuyến mà vẫn bảo đảm sức khỏe của nhà giáo, học sinh trong bối cảnh hiện nay? " - bà Điểu Huỳnh Sang đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đưa học sinh quay trở lại học là không thể khác. Do đó, các địa phương cần thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn mà Bộ GD-ĐT ban hành. Bên cạnh đó, tăng cường kỹ năng xử lý tình huống. Ông Sơn cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế sớm tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi để phụ huynh an tâm.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay theo thống kê, tỉ lệ trẻ dưới 18 tuổi mắc Covid-19 chiếm 19%, tỉ lệ tử vong chỉ 0,4%. Trẻ bị mắc Covid-19 diễn biến nhẹ và tử vong rất thấp. Về cơ bản, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể chi tiết nên phụ huynh và nhà trường thực hiện tốt và có thể đưa trẻ em đến trường trong tình hình mới.
Bảo đảm sức khỏe và chất lượng
Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy cô giáo cùng học sinh và bảo đảm chất lượng giáo dục. Theo ông, thực tế là phụ huynh đưa con đến trường học cũng lo lắng mà ở nhà học trực tuyến cũng lo lắng. Theo khảo sát gần đây, ngoài sự chậm trễ trong học hành, nhiều trẻ chịu cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, có trẻ bị lạm dụng và bị bạo hành. Một số nơi, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học đi làm và kết hôn sớm.
Bình luận (0)