xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mơ dép lốp thăng hoa

Bài và ảnh: Uông Ngọc

Nguyễn Tiến Cường nói thấy làm được gì để vực dép lốp dậy là làm, cũng không nghĩ nhiều về việc có sống được bằng nghề này hay không, chỉ biết đây là công việc vô cùng ý nghĩa

Bên trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh ở quận Ba Đình, TP Hà Nội, có một gian hàng đặc biệt. Ở đó bày bán những đôi dép được làm 100% từ lốp bỏ đi và 99% từ bàn tay người thợ.

Riêng nhuộm màu: Mất 3 năm

Giữa gian hàng, người thợ già cặm cụi "dũi" từng đường xẻ ở phần đế để tăng ma sát. Thấy tôi chăm chú nhìn hộp dụng cụ, có món nhỏ đúng bằng cây tăm, ông ngẩng mái tóc muối tiêu, cười hiền: "Lỉnh kỉnh như đồ nghề thợ mộc. Hơn 30 món đều do chúng tôi tự chế đấy. Chỉ máy cắt, máy mài là mua".

Phía kệ trưng bày, Nguyễn Tiến Cường (SN 1979, ngụ TP Hà Nội) đang xếp lại từng đôi dép. Quai xanh, quai đỏ ấm nóng chẳng thể làm vơi đi nét mặt buồn hiu. Từ Tết đến giờ, mấy chục con người và cơ ngơi dép lốp này cũng phải oằn mình trước cơn dư chấn Covid-19.

Mơ dép lốp thăng hoa - Ảnh 1.

Góc trưng bày và làm dép lốp của Nguyễn Tiến Cường trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đang ủ ê mà nghe tôi khơi lại chặng đường thổi cho dép lốp một hơi thở mới, rồi nhuộm cả màu cho những sợi cao su, nếp nhăn trên gương mặt anh giãn ra, mắt mở to, lấp lánh: "Chúng tôi mất 3 năm nhuộm lên nhuộm xuống, mang ra ngoài trời phơi đi phơi lại để kiểm tra độ bay màu không biết bao nhiêu lần mới được như hôm nay". Ban đầu, anh tìm các đơn vị nhuộm nhưng vướng phải 2 đặc thù quá lớn là chất liệu cao su và ngoài khâu cắt đế bằng máy, 100% dép là làm thủ công, số lượng nhỏ nên không đơn vị chuyên nhuộm nào mặn mà.

Thế là nghe ở đâu có thợ từng làm lốp, từng làm cao su là Cường tìm đến. May mắn, anh gặp được những người từng là thợ lốp trong các xí nghiệp nhà nước xưa, ai cũng dốc lòng dạ với anh chàng mê dép lốp. Nghe tôi xuýt xoa trước những quai dép mảnh, nuột nà và bắt mắt, anh nói chân thành: "Những cải tiến, thay đổi này đều xuất phát từ… bước đường cùng".

Bằng trái tim nóng ấm

Cường kể hồi đầu vì say dép lốp và giá trị lịch sử của nó mà anh cắm đầu làm, hoàn toàn bằng trái tim nóng ấm - chỉ làm những mẫu dép đã có trong lịch sử.

Chính vì định kiến "đã dép lốp thì phải đúng những đôi như các cụ đã đi", mà dép làm ra không bán được. Khi đó, anh còn không biết khảo sát thị trường như thế nào, ở đâu, vì ai cũng thở dài "giờ không còn người đi dép cao su đâu". Nghe anh Cường nhắc đến giai đoạn đó, ông thợ già ngừng tay, ánh nhìn bàng bạc sau gọng kính: "Nhiều khách đi ngang, thấy tôi làm dép cao su ngạc nhiên lắm, họ không nghĩ rằng dép cao su còn có mặt trên đời".

Sau đận đứng trước nguy cơ sập tiệm ấy, Cường giật mình nhìn lại: Nếu cứ cứng nhắc với những đôi dép mang mẫu mã từ thời các cụ xẻ đồi A1 đánh trận Điện Biên Phủ thì mình không tồn tại được. Đồng nghĩa với việc không quảng bá được dép lốp, gắn với ý chí và tinh thần huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Cường quyết định làm "cách mạng" dép lốp. Bây giờ, ngoài 3 mẫu dép lốp lịch sử (dép Điện Biên Phủ, dép Khe Sanh, dép Bác Hồ), Cường còn mày mò và làm ra hàng trăm mẫu khác nhau, thuyết phục được cả đối tượng khách hàng kỹ tính, xem trọng thời trang là nữ giới, thậm chí cả khách hàng quốc tế.

Hỏi Cường về gốc tích tên những loại dép đó, anh cười: "Ngoài dép Bác Hồ thì tôi còn chọn 2 cái tên tự hào dép Điện Biên Phủ, dép Khe Sanh bởi đó là những chiến dịch kinh điển trong lịch sử đánh đuổi ngoại xâm của Việt Nam, được cả thế giới biết". Với anh, dép lốp là câu chuyện tuyệt vời, chứ không đơn thuần là một đôi dép bảo vệ chân. Anh say sưa thuyết trình: "Hơn 70 năm trước, người Việt đã nghĩ đến chuyện cắt lốp ra làm dép. Những đôi dép trong thời kháng chiến chống Pháp khá thô. Săm cắt ra làm quai, lốp làm đế. Tôi xem hình ảnh các cụ trèo đèo lội suối, cái đế dày cộp. Không người làm dép nào giải thích được cho tôi là tại sao cấu tạo dép hồi đó lại như vậy, nên tôi đi hỏi các cựu chiến binh".

Mơ dép lốp thăng hoa - Ảnh 2.

99% công đoạn được làm thủ công từ bàn tay người thợ

Rồi Cường tiếp: "Những cựu chiến binh tham gia chống Mỹ thì kể mỗi người được phát một đôi đế, 3 m dây và một cái kẹp, nên sau này tôi tặng kèm chiếc kẹp khi bán dép Khe Sanh. Có khi trời mưa, đường trơn, dép trượt lên tận ống đồng. Tôi tự hỏi sao không làm cái quai bên dưới to hơn để ôm lấy chân. Hỏi chuyện mãi cũng vỡ ra được: Cỡ quai chỉ có một để tiện cho việc thay dây, hoàn cảnh và điều kiện thời chiến buộc phải thế. Mỗi bác đều kể về dép lốp với những kỷ niệm riêng rất xúc động. Và tôi nhận ra dép lốp cũng là một trong những kỷ vật quan trọng của đời lính".

"Nghiệp dép lốp" của Cường bắt đầu từ ông bố vợ Phạm Quang Xuân, từng là thành viên của xí nghiệp dép cao su. Năm 1975 xí nghiệp giải thể, ông phải chuyển sang công việc khác.

Khi về hưu, thi thoảng ông kỳ cạch ngồi gọt lốp, cắt quai, tỉ mẩn làm một vài đôi tặng bạn bè cho đỡ nhớ nghề dép lốp. Khoảng 10 năm trước, dép cao su manh nha trở lại, nhiều người tìm đến ông hơn. Sang nhà bố vợ chơi, Cường nhớ: "Khách hàng phần lớn là thanh niên nên tôi rất tò mò. Tôi lân la hỏi ông về cách làm, về hoàn cảnh ra đời dép lốp. Càng nghe ông nói, tôi càng thấy thú vị và ý nghĩa". Đến lúc đó, anh cũng mới biết vì sao người ta gọi bố vợ là "vua dép lốp".

Chỉ biết đó là "nghiệp"

Năm 2014, bố đẻ đột ngột qua đời. Cái hữu hạn của kiếp người khiến hình ảnh bố vợ lọm khọm làm từng đôi dép tác động mạnh đến suy nghĩ của Cường. Anh quyết định bỏ nghề kỹ sư công nghệ thông tin đang ăn nên làm ra, để đi theo… dép lốp. Gia đình, bạn bè còn chưa dứt những lời phản đối thì anh đổ tiếp tiền tỉ vào làm phim - kể chuyện lịch sử của từng đôi dép lốp trong các giai đoạn kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc.

Quyết định của anh vấp phải sự phản đối từ bạn bè, gia đình, kể cả "vua dép lốp". Việc con rể đã có 3 năm chân trong chân ngoài phụ "vua" làm dép vẫn không thuyết phục được ông bố vợ. Nhưng ông không ngờ con rể lại nặng lòng với dép lốp đến độ vừa "trơ mặt" sang phụ ông làm dép từ sáng đến tối vừa viết thư tay nhờ vợ chuyển đến "vua" để ông hiểu hơn tấm lòng chàng rể.

Thuyết phục được ông Xuân rồi, việc đầu tiên là anh đi tìm những người thợ năm xưa từng làm ở xí nghiệp dép cao su, mời họ đến để ông Xuân kèm cặp, bổ sung tay nghề. Anh lợi dụng từng sự kiện của Hà Nội, cứ chỗ nào đông người là vác hòm đồ nghề đến, ngồi bệt ven đường hành nghề dép lốp, kéo sự chú ý của kẻ lại người qua. Anh còn tổ chức biểu diễn làm dép lốp ở gian trưng bày bên hông bảo tàng. Thậm chí lôi kéo người xem bằng cách trả tiền cho họ, mỗi người vào xem các tay thợ lão luyện làm dép lốp đều được nhận 200.000 đồng. Trong buổi biểu diễn ấy, Cường còn phát một phim ngắn về lịch sử dép lốp với những hình ảnh giản dị của Bác Hồ, với những bước chân "xẻ dọc Trường Sơn" đầy gian khó, lẫm liệt.

Hỏi Cường mất bao nhiêu tiền để làm được mấy phút phim đặc biệt đó? Anh gãi đầu gãi tai: "Hơn 1 tỉ đồng".

Anh tâm sự như dốc ruột gan: "Bố vợ tôi và các chú, các bác cùng thế hệ ông, tôi không biết dép lốp đối với họ là gì. Còn với tôi, tôi chỉ biết gọi đó là "nghiệp". Tôi thấy mình làm được gì để vực dép lốp dậy là làm. Tôi cũng không nghĩ nhiều về việc có sống được bằng nghề này hay không, chỉ biết đây là công việc vô cùng ý nghĩa. Nếu không nối được nghề dép lốp, có lẽ tôi sẽ áy náy, ân hận suốt đời". 

Khát khao đưa dép lốp thành di sản

"Đi dép cao su giúp ý chí mạnh hơn" là khẩu hiệu của Nguyễn Tiến Cường. Không rõ có phải anh đã được tinh thần quật cường hun đúc trong từng đôi dép lốp tiếp thêm sức mạnh? Chỉ biết cách anh kế thừa và vực dậy nghề này thật chẳng giống ai. Anh viết tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước bày tỏ khát khao đưa dép lốp thành di sản, thành sản phẩm du lịch đặc biệt của Hà Nội. Anh còn đăng ký bảo hộ thương hiệu "Vua dép lốp" ở cả trong và ngoài nước.

Cường bảo trên thế giới này, không có sản phẩm tiêu dùng nào lại mang giá trị lịch sử, mang tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" như dép lốp Việt Nam!

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Mơ dép lốp thăng hoa - Ảnh 4.
Mơ dép lốp thăng hoa - Ảnh 5.
Mơ dép lốp thăng hoa - Ảnh 6.
Mơ dép lốp thăng hoa - Ảnh 7.
Mơ dép lốp thăng hoa - Ảnh 8.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo