Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 ngày 9-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) công bố những vùng an toàn để các hãng hàng không mở lại những đường bay thương mại quốc tế. Đó là các địa bàn trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Đồng thời, Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, quản lý, cách ly phù hợp với các đối tượng này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ồ ạt khi không thể xác định mức độ an toàn.
Hãng hàng không sẵn sàng
Hiện đã có 70 nước đăng ký với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế về kế hoạch mở lại đường bay tới các quốc gia và nước đầu tiên sẽ mở lại từ đầu tuần tới. Trong 2 tháng qua, Việt Nam đã tiếp nhận 34 chuyến bay từ nước ngoài và cách ly gần 8.000 người trên các chuyến bay này. Nhiều quốc gia cũng đã trao đổi với Việt Nam kế hoạch sớm mở lại đường bay, dần khôi phục việc đi lại an toàn, tạo cú hích mới cho quan hệ thương mại - đầu tư, du lịch giai đoạn hậu dịch.
Khai báo y tế trước khi nhập cảnh Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các hãng hàng không trong nước đã sẵn sàng bay quốc tế như thời điểm trước dịch. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông thương hiệu của Vietnam Airlines, cho biết hãng đã chuẩn bị cho việc này cách đây hơn 2 tháng. Hiện hãng có 8 tổ phụ trách 8 khu vực đường bay quốc tế, luôn sẵn sàng cho tất cả các đường bay. "Thậm chí kể cả những thị trường rất khó khăn, khi chính phủ hai nước quyết định mở lại đường bay, hãng cũng chuẩn bị những giải pháp để đáp ứng. Một số nước, vùng lãnh thổ có khả năng mở đường bay trước là ở Đông Bắc Á như: Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)..." - ông Đặng Anh Tuấn nói.
Trước tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, số lượng khách đi máy bay trong nước đã tăng trưởng nhanh. Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 5, lượng khách qua cảng trên cả nước đạt 2,88 triệu khách. Có 8.623 chuyến bay được các hãng hàng không khai thác, tỉ lệ hồi phục chung của toàn thị trường đạt 30% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, để phục hồi hoàn toàn thị trường hàng không, phải đợi đến lúc thị trường quốc tế mở cửa trở lại, do khách quốc tế chiếm khoảng 50% dung lượng thị trường.
Kiểm soát chặt lịch trình
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng về việc nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế, Việt Nam có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ. Cần chuẩn bị 2 kịch bản: Phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó; kiểm tra y tế với khách quốc tế trước khi vào Việt Nam.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Singapore kiến nghị với Việt Nam giải pháp kiểm tra sức khỏe người nhập cảnh Việt Nam. Đó là phải kiểm tra y tế 2 lần, cách nhau 4 ngày, nếu cả 2 lần âm tính thì được phép nhập cảnh; sau khi vào Việt Nam, sẽ tiếp tục kiểm tra 2 lần nữa, cách nhau từ 2 - 4 ngày, nếu kết quả đều âm tính là an toàn. TS Nghĩa cho rằng nếu tiến hành theo cách này, Việt Nam có thể đón được nhiều khách từ vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á đến công tác, du lịch.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ ngành hàng không nhận định biện pháp này cũng khó bảo đảm an toàn phòng dịch, vì bộ test nhanh có sai số lớn và số ngày cách ly sau khi nhập cảnh 4 ngày là chưa bảo đảm. Việt Nam đã có trường hợp người cách ly đã xác định âm tính với SARS-CoV-2 song trước khi hoàn thành 14 ngày cách ly thì lại dương tính.
Một chuyên gia hàng không đánh giá việc mở lại đường bay thương mại quốc tế vẫn chưa thể thực hiện sớm bởi các nước dù đã dần kiểm soát được dịch song vẫn còn rủi ro. Trước mắt, chỉ tập trung vào các đoàn chuyên gia, lao động chất lượng cao. Theo dự kiến, Vietnam Airlines sắp tới sẽ có 1-2 chuyến bay từ Thượng Hải (Trung Quốc) để đưa những chuyên gia trở lại làm việc tại Việt Nam. Đối với khách du lịch, có thể chỉ mở cho du khách vào Việt Nam nhưng phải kiểm soát chặt chẽ lịch trình: đi đâu, ở đâu, làm gì. Tuy nhiên, với khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, việc kiểm soát rất khó nên chưa thể thực hiện sớm.
Hướng dẫn giãn cách với trường hợp đặc biệt
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - Bộ Y tế, cho biết hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn giãn cách, cách ly trong trường hợp mở lại đường bay quốc tế cho các trường hợp đặc biệt là chuyên gia, lao động chất lượng cao đến Việt Nam hội họp, làm việc...
Dự thảo này sẽ được lấy ý kiến các bộ - ngành trước khi ban hành. Theo đó, trong trường hợp thật cần thiết vẫn cho chuyên gia nước ngoài và người lao động chất lượng cao nhập cảnh để làm việc nhưng chỉ dưới 14 ngày và phải tuân thủ hướng dẫn giãn cách nghiêm ngặt. Với trường hợp hơn 14 ngày, vẫn phải thực hiện cách ly theo quy định bình thường. Việc mở lại đường bay quốc tế chưa thực hiện với các hoạt động khác như du lịch hay thăm người thân...
Ng.Dung
Bình luận (0)