Trước đó, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương và đến cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Nam Phú Yên.
Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, việc điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Nam Phú Yên là rất cần thiết, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển, nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển trong các quy hoạch vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa. "Trong đó, Khu Kinh tế Nam Phú Yên sẽ trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là loại hình công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển nước sâu, là một trung tâm dịch vụ - du lịch cấp quốc gia" - ông Hổ đánh giá.
Phối cảnh hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh ở tỉnh Phú Yên
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch này thì Khu Kinh tế Nam Phú Yên sẽ được mở rộng rất nhiều, lên tổng diện tích 20.980 ha, được điều chỉnh thêm toàn bộ địa giới hành chính các phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông (TP Tuy Hòa) và các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Vinh; các xã Hòa Thành, Hòa Tâm và một phần diện tích phường Hòa Xuân Tây, xã Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam (thị xã Đông Hòa). Khi điều chỉnh thì ranh giới quy hoạch của Khu Kinh tế Nam Phú Yên có các tiệm cận: Phía Bắc giáp sông Đà Rằng (TP Tuy Hòa), phía Nam giáp huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), phía Tây giáp đường cao tốc Bắc - Nam và phía Đông giáp biển Đông.
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, trong việc kêu gọi đầu tư vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên sắp tới, tỉnh Phú Yên sẽ ưu tiên ngành công nghiệp sạch, khu công nghệ cao, để phát triển công nghiệp không xung khắc với ngành du lịch, hai bên sẽ phát triển hài hòa. Kinh tế biển cũng là hướng phát triển được tỉnh Phú Yên lựa chọn trong việc kêu gọi thu hút đầu tư và xem đây là định hướng phát triển của tỉnh này.
Tỉnh Phú Yên đang kỳ vọng sau khi điều chỉnh quy hoạch, Khu Kinh tế Nam Phú Yên sẽ tạo điểm bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thu hẹp khoảng cách trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập với cả nước và quốc tế. Đây sẽ là cửa ngõ trong việc lưu thông hàng hóa từ Tây Nguyên ra biển Đông qua cảng nước sâu Bãi Gốc, là "đôi bạn cùng tiến" với Khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), tạo nên vùng động lực để phát triển cho cả khu vực.
Hiện hạ tầng giao thông kết nối với Khu Kinh tế Nam Phú Yên đang được đẩy mạnh. Ngoài Quốc lộ 29 đã được hoàn thành, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đưa quy hoạch đường cao tốc Phú Yên - Tây Nguyên dài 220 km vào mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều nhà đầu tư cũng đã đặt vấn đề đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên đang chọn lựa. Sân bay Tuy Hòa cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho cho nâng cấp lên công suất đón 5 triệu khách/năm.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)