Cuối năm 1967, chính quyền Mỹ huy động 480.000 quân Mỹ, 68.800 quân của các nước chư hầu, 552.000 quân của chính quyền Sài Gòn tập trung ở chiến trường miền Nam Việt Nam để thực hiện mục tiêu thôn tính nước ta.
Mở bước ngoặt quan trọng
Với quyết tâm "chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định", sau Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương (trong 2 ngày 30-6 và 1-7-1967), Bộ Chính trị chỉ thị Trung ương Cục miền Nam "phải tiến công mạnh về quân sự và chính trị vào các thành phố và thị trấn, các trung tâm chính trị..., tạo điều kiện tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa... Chiến trường quyết định thứ nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn và miền Đông Nam Bộ".
Tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết về tổng công kích - tổng khởi nghĩa (Nghị quyết Quang Trung), quyết định lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn làm trọng điểm tiến công và nổi dậy, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn. Ngày 25-10-1967, trung ương cục quyết định giải thể khu miền Đông và Quân khu Sài Gòn - Gia Định, thành lập khu trọng điểm và 6 phân khu; đồng thời xác định nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu đầu não của Mỹ - chính quyền Sài Gòn, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, góp phần cùng toàn miền tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn, đánh đổ chính quyền Sài Gòn các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân.
Tiểu đoàn Quyết Thắng hành quân qua vùng ven tiến về Sài Gòn tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 Ảnh: TƯ LIỆU
Theo TS Lê Hữu Phước, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, từ sau Hiệp định Genève 1954 cho đến trước Xuân Mậu Thân 1968, nét nổi bật trong phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức, quy mô và mức độ khác nhau. Trong đó, đấu tranh vũ trang giới hạn trong các hoạt động trừ gian, diệt ác của lực lượng đặc công, biệt động nội thành và những đợt pháo kích không thường xuyên vào các căn cứ quân sự của Mỹ và quân đội Sài Gòn ở vùng ven. "Thủ đô Sài Gòn" vẫn được Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu xem là hậu cứ an toàn. Cho đến tháng 11-1967, phía Mỹ vẫn tự tin nhận định cộng sản chưa đủ mạnh để tạo thắng lợi quân sự, chưa có khả năng bước sang giai đoạn tổng phản công; chỉ có khả năng bảo tồn lực lượng, chờ khi Mỹ rút sẽ tổng tiến công vào quân đội Sài Gòn.
TS Lê Hữu Phước cho biết đầu năm 1968, trước thời điểm tổng công kích - tổng khởi nghĩa, số đơn vị chủ lực cơ động Mỹ và quân đội Sài Gòn tính chung trên chiến trường miền Đông Nam Bộ là tương đương 9 sư đoàn (không kể lực lượng Sư đoàn 1 kỵ binh bay và các đơn vị quân chủng kỹ thuật của Mỹ). Trong khi đó, khối chủ lực cơ động của Quân giải phóng chỉ có 3 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn pháo và một số trung đoàn độc lập. Như vậy, Mỹ và quân đội Sài Gòn hoàn toàn áp đảo về quân số, chưa kể ưu thế vượt trội về trang bị vũ khí và hệ thống bố phòng tại các cơ quan đầu não, các vị trí trọng yếu.
Báo cáo "tô hồng"
Sáng 2-11-1967, Tổng thống Mỹ Johnson mời 11 "nhà thông thái" (the Wise Men) đến Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng. Đây là các quan chức cao cấp và tướng lĩnh về hưu, được Tổng thống Johnson đánh giá là "thông minh và có nhiều kinh nghiệm" nên được chọn làm cố vấn không chính thức, để khi cần thì mời đóng góp ý kiến tư vấn cho chính phủ Mỹ về một số vấn đề trọng đại của quốc gia.
TS Phan Văn Hoàng - cán bộ Ban An ninh T4 (An ninh khu Sài Gòn - Gia Định) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - cho biết mở đầu cuộc họp này, Tổng thống Johnson nêu ra các câu hỏi, như: Có thể làm gì với những điều chưa làm ở miền Nam Việt Nam; có nên tiếp tục những gì đang làm đối với miền Bắc Việt Nam, có nên thả mìn phong tỏa các cảng và phá hoại các đê hay là nên chấm dứt ném bom; có nên theo đuổi chính sách sẵn sàng đàm phán một cách thụ động hay tìm kiếm đàm phán một cách xông xáo hoặc rút lui, bỏ cuộc; có nên rút khỏi Việt Nam...
Trừ George W. Ball (người từng nhiều lần kêu gọi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam), 10 người còn lại đều có lập trường bảo thủ và hiếu chiến. Tổng hợp nội dung trả lời của họ cho những câu hỏi của Tổng thống Johnson là: Đối với cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam Việt Nam, do có những cải thiện và tiến bộ lớn lao nên yêu cầu tiếp tục các chương trình đang thực hiện, tiếp tục ném bom miền Bắc Việt Nam.
Đối với việc đàm phán, 8/11 "nhà thông thái" dự đoán cộng sản sẽ không bao giờ chịu thương thuyết và "một khi đối phương hiểu rằng chúng sẽ không bao giờ chiến thắng, đơn giản họ sẽ giảm các hoạt động chiến tranh và cuối cùng là từ bỏ".
Tiếp đó, ngày 27-1-1968, Tổng thống Johnson nhận được báo cáo của Đại tướng Westmoreland - tư lệnh của khoảng nửa triệu quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam - về việc ném bom miền Bắc: "Sự ngăn chặn dòng tiếp tế của đối phương ở Lào và Bắc Việt Nam bằng những nỗ lực tối cần thiết của không quân chúng ta đã gây ra cho họ những khó khăn đáng kể". Trong lúc đó, tại nhiều vùng ở miền Nam, "đối phương bị đẩy ra xa các trung tâm dân cư. Tại những vùng khác, họ bị buộc phải phân tán và tránh đụng độ, do đó vô hiệu hóa nhiều tiềm lực của họ".
Báo cáo của Tướng Westmoreland kết luận rằng năm 1967 "kết thúc với việc đối phương ngày càng dùng đến những chiến thuật liều lĩnh tuyệt vọng trong cố gắng giành chiến thắng về quân sự hay về tâm lý. Họ chỉ nếm phải thất bại trong những cố gắng này".
Vang động tận Nhà Trắng
Theo TS Phan Văn Hoàng, báo cáo "tô hồng" của Tướng Westmoreland khiến Tổng thống Johnson lạc quan. Ông ta tuyên bố: "Chúng ta đang đánh bại cuộc xâm lăng này. Việc chúng ta đang dùng không lực dưới mọi hình thức là lý do chính khiến các kế hoạch của địch tất phải phá sản… Chúng ta cảm thấy địch biết rằng họ không thể giành một chiến thắng quân sự được nữa". Tuy nhiên, sự lạc quan ấy không dài vì chỉ mấy ngày sau, tiếng súng tổng tiến công của bộ đội Việt Nam đã vang động tận Nhà Trắng.
Kỳ tới: Đòn nghi binh chiến lược
Bình luận (0)