Ngày 10-5, hàng ngàn người dân ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã đến tiễn đưa 4 em học sinh bị đuối nước về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trượt chân rồi gặp nạn
Vụ tai nạn nêu trên xảy ra vào trưa 9-5. Khi được nghỉ học, 6 em học sinh Trường THCS Đắk Búk So là Phùng Việt Anh, Võ Thị Thanh The, Nguyễn Thị Thu Huyền, Thân Đức Thành, Nguyễn Thị Thanh Ngân và Phạm Văn Nguyên rủ nhau đến chơi ở hồ nước tại thôn 1, xã Đắk Búk So. Không may, một em trong nhóm trượt chân rơi xuống hồ. Những em còn lại chạy tới tìm cách kéo bạn lên nhưng tất cả đều rơi xuống nước.
Phát hiện vụ việc, người dân cùng lực lượng chức năng tìm cách vớt các em lên. Sau khi sơ cứu, đến khoảng 15 giờ cùng ngày, 6 học sinh được đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức cấp cứu nhưng 4 em đã tử vong. Hai em Thành và Ngân được cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết.
Lực lượng chức năng đưa 6 học sinh bị đuối nước hôm 9-5 đến bệnh viện cấp cứu Ảnh CAO NGUYÊN
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã gọi điện chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông trực tiếp đến thăm hỏi, động viên gia đình 4 học sinh thiệt mạng. Bộ GD-ĐT cũng đã gửi vòng hoa phúng viếng và hỗ trợ gia đình mỗi học sinh thiệt mạng 3 triệu đồng.
Trước đó, chiều 7-5, nhóm 8 học sinh Trường THCS Long Phước (quận 9, TP HCM) ra khu vực bờ sông Đồng Nai để vui chơi. Trong đó, 2 em ra bờ sông để rửa tay đã không may trượt chân xuống sông. Do không biết bơi, 2 em bị nước chảy xiết cuốn ra xa. Chiều tối cùng ngày, thi thể 2 nữ sinh được tìm thấy gần khu vực gặp nạn.
Tại tỉnh Gia Lai, hằng năm cũng có rất nhiều trẻ em bị đuối nước. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, năm 2017, tỉnh xảy ra 54 vụ đuối nước làm 66 trẻ thiệt mạng, trong đó có 47 học sinh. Trong số trẻ bị nạn, có tới 61/66 em không biết bơi. Địa phương này có rất nhiều ao hồ, hố sâu, công trình thủy lợi nhưng không được trang bị đầy đủ các biển báo nguy hiểm, rào chắn.
Tăng cường dạy bơi cho học sinh
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết là tỉnh nghèo, nguồn ngân sách hạn hẹp nhưng Đắk Nông đang thực hiện đề án xây dựng hồ bơi trong trường học. Theo đề án, đến năm 2020, các trường phải xây hồ, dạy bơi và các kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước cho học sinh.
Còn tại Gia Lai, cuối năm 2017, UBND tỉnh này đã phê duyệt đề án tăng cường công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Đề án nhấn mạnh các biện pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với gia đình, cộng đồng về phòng chống đuối nước; dạy bơi và hướng dẫn kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em. Trong năm 2018, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho mỗi huyện, thị xã, thành phố thí điểm xây dựng một bể bơi tại trường học để dạy bơi. Đến năm 2019, tỉnh sẽ đánh giá mô hình để năm 2020, mỗi huyện, thị xã xây dựng từ 2 bể bơi trở lên.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết đến nay, mô hình bể bơi đã được triển khai ở một số địa phương và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Ngoài việc dạy bơi, điều quan trọng không kém là phải nâng cao nhận thức của người dân vì đa phần những vụ đuối nước đều do thiếu sự giám sát của gia đình. Hơn nữa, hiện nay, chế tài xử phạt các chủ ao, hồ mất an toàn còn chưa nghiêm.
Riêng tỉnh Lâm Đồng, ông Bùi Quang Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết đơn vị đã tổ chức thí điểm nhiều lớp bơi miễn phí cho trẻ em. Từ đầu năm học 2017-2018, Lâm Đồng có 3 trường đưa môn bơi lội làm môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất cho học sinh.
Thành công từ mô hình dạy bơi trong trường, cô Phan Thị Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), cho biết trường đã bố trí mặt bằng, liên kết với nhà đầu tư bên ngoài xây hồ bơi. "Mỗi khối lớp sẽ học bơi 10 tuần (mỗi tuần 2 tiết/lớp). Đến nay, hầu hết học sinh nhà trường đã có kỹ năng cơ bản về bơi lội" - cô Thảo nói.
Từ năm 2019, bơi lội là môn học tự chọn
Từ năm 2019, bơi lội sẽ trở thành một môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất của chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, từ lớp 1, học sinh sẽ được hướng dẫn chơi, luyện tập một trong các môn thể thao tự chọn như đá cầu, cầu lông, bơi lội.
Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD-ĐT, căn cứ vào điều kiện vật chất, đội ngũ giáo viên các trường sẽ chọn môn tự chọn phù hợp với nhà trường và học sinh, tạo cho các em sự hứng thú và yêu thích với thể thao.
Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 664 hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Dù một số địa phương đã triển khai xây dựng bể bơi trong trường học nhưng việc tổ chức dạy bơi vẫn còn hạn chế. Thực tế, số trường học được đầu tư bể bơi không nhiều. Thêm vào đó, đội ngũ giáo viên môn giáo dục thể chất biết bơi và biết dạy bơi còn thiếu.
Y.ANH
Bình luận (0)