Ngày 5-2, Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an TP HCM tiếp tục củng cố hồ sơ, làm rõ vụ việc đoàn môtô nước gây náo loạn trên sông Sài Gòn mới đây.
Vây bắt nhóm người liều lĩnh
Cụ thể, chiều 31-1, qua công tác quản lý địa bàn, Phòng Cảnh sát đường thủy nắm được thông tin một nhóm người với khoảng 10 môtô nước đang hoạt động tại vị trí sông Lòng Tàu - sông Ngã Bảy, Thiềng Liềng thuộc huyện Cần Giờ, gây mất an toàn giao thông.
Ngay lập tức, đơn vị khẩn trương bố trí 2 tổ công tác gần hiện trường nhất tới. Thấy sự xuất hiện của cảnh sát đường thủy, đoàn môtô nước chia thành 2 nhóm tăng tốc bỏ chạy.
Nắm được lộ trình chạy trốn và đặc thù của các loại phương tiện môtô nước là có tốc độ rất cao, công suất máy có loại trên 300 mã lực, kích thước nhỏ gọn nên dễ chạy vào các tuyến sông nhỏ hẹp…, Phòng Cảnh sát đường thủy chỉ đạo các đội, trạm huy động lực lượng, phương tiện triển khai biện pháp vô hiệu hóa.
Nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ các clip lái môtô nước tốc độ cao trên sông Sài Gòn
"Lực lượng đã chốt chặn, bố trí các tổ công tác ngăn chặn, kiểm soát tại các ngã ba sông, bố trí 2 tổ công tác chốt chặn khu vực sông Nhà Bè - ngã 3 Đèn Đỏ, cầu Phú Mỹ" - đại diện Phòng Cảnh sát đường thủy kể về phương án triển khai. Theo vị này, tại khu vực ngã ba Đèn Đỏ thuộc tuyến sông Nhà Bè giao với sông Sài Gòn (qua quận 7, TP HCM), một tổ công tác đã tạm giữ 3 phương tiện, đưa 3 người điều khiển về Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái kiểm tra, lập biên bản.
Những phương tiện còn lại lợi dụng đặc tính nhỏ gọn, dễ đi vào các tuyến sông hẹp, cạn đã rẽ hướng chạy về rạch Giồng Ông Tố (thủy phận TP Thủ Đức, TP HCM) để né tránh, song không qua được mắt lực lượng chức năng. Kết quả, một tổ khác của Phòng Cảnh sát đường thủy phát hiện 6 môtô nước đang neo tại vị trí cầu tạm của một ngôi nhà.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nhiều phương tiện vi phạm quy định về vùng hoạt động; vi phạm về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn.
Muôn kiểu chơi đùa với nguy hiểm
Theo tìm hiểu của phóng viên, khoảng 5 năm trở lại đây, "thú vui" lái môtô nước trên sông Sài Gòn có xu hướng nở rộ. Chỉ tay về hướng sông Sài Gòn, anh N.V.L (chủ một cơ sở ăn uống gần bờ sông) cho hay ngồi ở quán, anh không khó bắt gặp môtô nước qua lại. Những màn biểu diễn tốc độ trên mặt sông thường gặp nhất là vào các chiều cuối tuần.
"Người dân bình thường không ai dùng môtô nước để đi lại. Thú chơi ấy chỉ dành cho người khá giả vì loại phương tiện này "uống xăng" rất dữ. Những người lái môtô nước qua đây thường đi thành nhóm. Họ thích tìm đến những đoạn sông đẹp, rộng để so kè tốc độ, biểu diễn khả năng "chế ngự" môtô nước của mình. Còn nếu không có hứng thú so kè, họ lái đến các quán nhậu dọc bờ sông hoặc đi xa hơn tới các làng bè ở Đồng Nai để vui chơi, ăn uống; đến tối lại chạy về" - anh L. cho biết.
Qua trò chuyện với anh L., chúng tôi biết thêm một loại phương tiện gọi là sup (thuyền bơm hơi). Chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến sự liều lĩnh của người chèo sup qua khúc sông có sự hoạt động thường xuyên của sà lan, tàu thuyền. Người chèo thậm chí không mặc áo phao để bảo đảm an toàn. Đáng ngại hơn, chiếc sup nhỏ dễ dàng rơi vào "điểm mù" của tàu thuyền, sà lan.
Người chèo sup trên sông Sài Gòn không mặc áo phao
Đại diện Phòng Cảnh sát đường thủy cho biết khác với môtô nước (có thể đạt trên 100 km/giờ) thì sup, thuyền kayak lại được ví như thuyền ba lá vì không gắn động cơ. Tuy nhiên, đây đều là các hoạt động thể thao mạo hiểm, chỉ được vui chơi trong phạm vi mặt nước được cấp phép. "Tại TP HCM, đến nay chưa có đơn vị nào xin cấp phép cho hoạt động vui chơi, thể thao như chèo sub, thuyền kayak hay mô tô nước" - vị này khẳng định.
Theo luật sư Nguyễn Thị Bạch Tuyến, Đoàn Luật sư TP HCM, giống như điều khiển phương tiện giao thông trên bộ, pháp luật đã quy định về điều kiện đối với người lái phương tiện vui chơi dưới nước. Theo đó, Nghị định 48/2019 nêu rõ người điều khiển phải đủ 15 tuổi trở lên, bảo đảm về sức khỏe; người điều khiển phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 5 mã lực phải có giấy chứng nhận lái phương tiện. Họ phải được hướng dẫn về kỹ năng an toàn.
"Bên cạnh đó, phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải thực hiện đăng kiểm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành và đăng ký theo quy định tại nghị định này…" - luật sư Tuyến nêu rõ.
Coi thường an toàn của chính mình
Dù hoạt động vui chơi, thể thao bằng môtô nước, thuyền kayak, sup... trên sông Sài Gòn chưa được cấp phép song việc thuê hoặc sở hữu các loại phương tiện này ở TP HCM không khó. Khảo sát trên "chợ mạng", rất dễ để tìm mua một chiếc môtô nước với giá dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Theo tìm hiểu, không ít người chơi môtô nước công khai quay clip biểu diễn tốc độ cao để đăng tải trên mạng xã hội mua vui và thách đố nhau. Nhiều clip thể hiện người chơi sẵn sàng tăng ga, lao vun vút, thậm chí không mặc áo phao khi lái môtô nước.
Bình luận (0)