Ngày 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết thời gian qua, tình hình an ninh mạng nước ta ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều hệ thống thông tin đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc. Mỗi năm có hàng ngàn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính quyền, hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ.
Các loại virus, mã độc, vũ khí mạng xuất hiện ngày càng nhiều; một số loại được thiết kế chuyên biệt, hết sức nguy hiểm… "Nếu an ninh mạng chỉ tập trung vào việc bảo vệ an ninh quốc gia thì sẽ bỏ sót nhiều đối tượng, mục tiêu, nội dung cần bảo vệ; không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" - ông Tô Lâm cảnh báo.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trình bày dự án Luật An ninh mạng
Việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng với các quy định cụ thể sẽ góp phần phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan việc bảo vệ an ninh mạng; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đánh giá cao tầm quan trọng của dự thảo luật nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần phải rà soát lại các quy định để đồng bộ; tránh chồng chéo, trùng lắp với các quy định của Hiến pháp và các luật khác. Chủ tịch QH lưu ý các quy định liên quan đến việc hạn chế quyền con người thì phải cụ thể trong luật chứ không giao Chính phủ ban hành.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đánh giá dự án Luật An ninh mạng cơ bản đủ điều kiện để trình QH. Tuy nhiên, đây là dự án luật rất khó, nhiều nội dung phức tạp nên cần nghiên cứu kỹ, lựa chọn từ kinh nghiệm của các nước. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2017.
Bảo đảm khách quan trong dự án Luật Cạnh tranh
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đại diện Bộ Công Thương cho biết dự thảo luật đã bổ sung các quy định để hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh. Theo đó, Cơ quan Cạnh tranh quốc gia là nơi duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm Cơ quan Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) và Hội đồng Cạnh tranh.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị cần quy định mô hình cơ quan cạnh tranh độc lập thuộc Chính phủ để bảo đảm tính khách quan trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh.
Bình luận (0)