Các sân bay trên cả nước chỉ đón 429.000 khách, giảm 97,1% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó khách quốc tế đạt 98.000 khách, nội địa đạt 331.000 khách. Hàng không chủ yếu vận chuyển lực lượng chống dịch, khách công vụ và vận chuyển hàng hóa.
Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch khôi phục mạng bay nội địa và đang lấy ý kiến các địa phương, Bộ Y tế. Bộ Y tế đã cơ bản đồng ý phương án, ngay trong sáng 29-9 có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ GTVT làm cơ sở triển khai. Theo đó, Bộ Y tế ủng hộ phương án hành khách chỉ cần đáp ứng điều kiện tiêm 1 mũi vắc-xin hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19. Trường hợp hành khách không thuộc 2 đối tượng này phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai kế hoạch bay nội địa trở lại nằm ở phía các địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài.
"Khôi phục vận tải là vấn đề sống còn, không chỉ là với hàng không. Đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ có quan điểm thống nhất trên cả nước, cứ để mỗi địa phương áp dụng một kiểu sẽ rất khó bay nội địa trở lại" - ông Thắng nói.
Trước mắt, ông Đinh Việt Thắng đề xuất chỉ mở chuyến bay đưa khách từ Hà Nội đi mà không đưa về Hà Nội, chiều ngược lại sẽ chỉ chở hàng. Địa phương khác làm đúng kế hoạch ngay khi được duyệt.
Trước thông tin Hà Nội vẫn lắc đầu từ chối các chuyến bay, chuyến tàu nội địa đến Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Vietsense Travel, tỏ ra khá thất vọng bởi vắc-xin đã được phủ đến tất cả các xã, phường thì Hà Nội có thể tính dần đến phương án mở cửa cho khách tỉnh, thành khác. Khách bay đến Hà Nội không chỉ dừng lại mà còn có thể đi du lịch nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Du lịch được xác định là một ngành kinh tế, lại là một ngành kinh tế mũi nhọn thì cũng nên được tạo điều kiện như các doanh nghiệp sản xuất khác.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Quang, Giám đốc Dolphin Tour, cho rằng nếu mở cửa sớm cho du lịch, ngắn hạn có thể lượng khách tăng nhưng ẩn họa, rủi ro vẫn lớn. "Nếu Hà Nội lại đối mặt với đợt dịch mới, lại phong tỏa, doanh nghiệp du lịch vừa huy động nhân lực, tài chính để khởi động xong lại phải dừng sẽ không hiệu quả. Khi tiêm đủ vắc-xin, đạt đến độ miễn dịch cộng đồng thì có thể mở cửa. Tôi cho rằng việc kiểm soát dịch bệnh quan trọng hơn mở cửa vội vàng" - ông Quang cho hay.
Ngày 29-9, Bộ Y tế có văn bản trả lời trên tinh thần cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao, người điều khiển phương tiện taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ phải được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ. Với hành khách,ngoài việc tuân thủ 5K và khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi tham gia giao thông đường hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại).
Bình luận (0)