Gia đình cụ Nguyễn Công Bưởng (89 tuổi) và vợ là cụ Nguyễn Thị Bì (88 tuổi; trú tại phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) dù tuổi đã cao vẫn chưa thể chia tách hơn 1.300 m2 đất thổ cư cho các con.
Đi thì dở, ở không xong
Cụ Nguyễn Công Bưởng cho biết đất của gia đình trước đây thuộc xã Đằng Hải (huyện An Hải), nay do chuyển địa giới hành chính nên thuộc phường Đằng Hải (quận Hải An). Vợ chồng cụ có 5 người con đều đã xây dựng gia đình. Năm 2017, gia đình cụ đã làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ, còn gọi là sổ đỏ) để chia cho các con hoặc phần thì bán đi để chữa bệnh, dưỡng già.
Sau khi ra được sổ đỏ, gia đình mang hồ sơ lên đề nghị tách thửa thì hồ sơ không được tiếp nhận, giải quyết với lý do đất nằm sát vùng quy hoạch tái định cư Cây Lim và trong vùng quy hoạch tỉ lệ 1/2000. "Các con tôi tiếp tục sống trong gian nhà cấp 4 xây tạm đã cũ nát, chỉ chực đổ. Có đợt mưa lớn, cả nhà như bị cô lập, phải sơ tán đồ đạc. Vừa nhìn nước dâng, nghĩ tới việc tách thửa đất bị từ chối lại thấy nghẹn trong lòng" - cụ Nguyễn Công Bưởng bức xúc.
Còn gia đình chị Nguyễn Ngọc Uyên (trú tại quận Dương Kinh) làm hồ sơ xin tách thửa đất ở nhưng chờ đợi hơn 7 tháng mới nhận được kết quả thông báo: "Đất nằm trong tỉ lệ 1/2000 làm dải cây xanh, xây dựng đường nên không được tách".
Nhiều phần đất của người dân ở quận Dương Kinh, TP Hải Phòng không được tách thửa
Theo chị Uyên, đất của chị nguyên thửa có 200 m2 thuộc loại đất ở lâu dài (thửa số 41, bản đồ số 44, tổ dân phố Đông Lãm, phường Đa Phúc, quận Dương Kinh). Sau khi chia tách, bán đi 80 m2, chị còn 120 m2. Nay chị làm thủ tục tách tiếp 40 m2 để bán thì không được.
"Họ nói đất của tôi nằm trong vùng quy hoạch tỉ lệ 1/2000 làm dải cây xanh và xây dựng đường nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định, thông báo thu hồi đất hay bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/500. Có lẽ họ đã nhầm vì phần đất nằm trong quy hoạch dự án cây xanh trên lại nằm ở phần đất 80 m2 tôi đã bán, riêng 40 m2 đất này thì không nằm trong quy hoạch trên và hoàn toàn phù hợp quy hoạch đất ở" - chị Uyên nói.
Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hải Phòng đã viết thư xin lỗi chị Uyên về sự chậm trễ này. Tuy nhiên, hơn 7 tháng trôi qua, hồ sơ của chị vẫn chưa được giải quyết.
Chị Nguyễn Thị Oanh (ngụ phường Tràng Cát, quận Hải An) cũng mua một khu đất 54 m2 đất thổ cư được tách từ bìa tổng 162 m2 ở Tràng Cát vào tháng 9-2020. Chị làm thủ tục cấp sổ đỏ riêng nhưng không được Sở TN-MT TP Hải Phòng cấp. Kế hoạch xây nhà để cuối năm sinh con nay đã đổ bể. Chị phải thuê tiếp nhà trọ chờ sinh con vì không có sổ đỏ, không được cấp phép xây dựng.
Tương tự, tại huyện An Dương, quận Dương Kinh, Lê Chân..., nhiều gia đình, cá nhân có đất muốn chia thửa cho con hay bán lấy tiền phục vụ công việc, nhu cầu cuộc sống đã không thể thực hiện vì nguyên nhân như trên.
Hồ sơ xin chia tách thửa đất bị trả lại
Một cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai quận Hải An cho biết theo Luật Đất đai năm 2013, việc cấp GCNQSDĐ, chia tách thửa đất thuộc thẩm quyền của cấp quận, huyện. Tuy nhiên, từ ngày 15-3-2020, Hải Phòng là một trong số các địa phương thực hiện thí điểm chuyển giao việc cấp đổi GCNQSDĐ lên Sở TN-MT.
Theo cán bộ này, nếu như trước đây, tại các quận, huyện, việc tách các thửa đất đều diễn ra bình thường thì từ ngày 13-5 đến nay, khi thí điểm giao Sở TN-MT, hồ sơ đều bị ách lại.
Tại các quận Dương Kinh, Đồ Sơn; huyện An Dương và các quận, huyện khác trên toàn TP Hải Phòng, hồ sơ xin chia tách thửa khi chuyển lên Sở TN-MT hầu hết đều bị "quay đầu", không thực hiện việc cấp biến động GCNQSDĐ. Lý giải điều này, Sở TN-MT đã có Công văn số 3569 ngày 2-10-2020 gửi UBND TP Hải Phòng với nội dung "việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có nhiều bất cập".
Cụ thể, Sở TN-MT nêu: "Việc tách thửa đất của các hộ dân để xây dựng kinh doanh nhà ở trên địa bàn các quận, huyện gây nguy cơ áp lực với hạ tầng kỹ thuật (vỉa hè, đường, hệ thống cấp điện, thoát nước, phòng cháy...); tiềm ẩn hình thành khu dân cư tự phát, manh mún; có khả năng gây khó khăn khi thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), làm tăng giá trị phải bồi thường GPMB, bố trí tái định cư khi thực hiện các dự án".
Tại báo cáo này, Sở TN-MT TP Hải Phòng còn viện dẫn có nhiều dự án trọng điểm đang triển khai tại các quận, huyện Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng... và có những thửa đất nằm trong quy hoạch tỉ lệ 1/2000 được phê duyệt vào trồng cây xanh, công trình công cộng không phù hợp đất ở nên không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ.
Trước quan điểm trên của Sở TN-MT, Sở Tư pháp TP Hải Phòng đã có văn bản báo cáo UBND TP Hải Phòng, bác bỏ nội dung của Sở TN-MT. Sở Tư pháp cho rằng việc tách thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ là quyền của người sử dụng đất; khi người sử dụng đất tách thửa thì được nhà nước cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền đất đối với phần diện tích được tách thửa...
Cũng tại công văn này, Sở Tư pháp TP Hải Phòng nhấn mạnh: "Quy định của pháp luật về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không hạn chế quyền tách thửa của người sử dụng đất khi đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất" và khẳng định Công văn số 3569 của Sở TN-MT không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Bình luận (0)