Rừng đặc dụng Hàm Rồng được xem như "lá phổi xanh" giữa lòng TP Thanh Hóa, nó không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan môi trường mà còn là khu vực có giá trị về văn hóa, tâm linh đặc biệt. Thế nhưng, trong vòng 4 năm qua, rừng đặc dụng tại đây đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Rừng đặc dụng Hàm Rồng bị chặt phá, san ủi nham nhở
Theo hồ sơ báo cáo của Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (BQL di tích Hàm Rồng), từ năm 2018 đến nay hộ gia đình ông Lê Văn Đông (SN 1964, ngụ phường Đông Cương, TP Thanh Hóa) đã 13 lần thuê người vào chặt phá keo, bạch đàn trong rừng đặc dụng Hàm Rồng, khiến cho nhiều ha rừng trồng hàng chục năm trước bị "xóa sổ".
Gần đây nhất, vào các ngày 7-1-2022, lực lượng kiểm lâm và BQL di tích Hàm Rồng đi kiểm tra an ninh rừng tại tiểu lô 4,6, khoảng 2, tiểu khu 363 thì phát hiện 1 ha rừng đã bị san ủi, 200 cây keo (đường kính từ 10-20 cm) đã bị chặt hạ với số lượng gỗ khoảng 17 m3. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, niêm phong tang vật.
Thế nhưng, tới ngày 10-1, khi lực lượng chức năng trở lại hiện trường thì tiếp tục phát hiện rừng bị chặt phá, máy múc tiếp tục hoạt động đào đất san ủi trong đất rừng đặc dụng Hàm Rồng. Đáng nói, những người phá rừng tại đây rất coi thường phát luật khi tự ý phá niêm phong (niêm phong máy múc và xe ôtô tải chở gỗ) tiếp tục các hoạt động phá rừng.
Ghi nhận thực tế tại đây cho thấy, có khoảng chục ha rừng đã bị chặt phá trơ trọi, đất rừng Hàm Rồng đã bị đào xới khắp nơi, khiến cho cảnh quan môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng nói, khu vực rừng bị tàn phá nằm ngay sát động Tiên Sơn, một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong danh thắng Hàm Rồng.
Máy múc ngang nhiên đào bới, san ủi trong rừng đặc dụng. Sự việc diễn ra trong nhiều năm, cơ quan chức năng nhiều lần lập biên bản xử phạt nhưng hộ ông Lê Văn Đông vẫn bất chấp, coi thường pháp luật
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Hoàng, Giám đốc BQL di tích Hàm Rồng cho biết hộ ông Lê Văn Đông là "thủ phạm" gây ra hàng chục vụ phá rừng đặc dụng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo ông Hoàng đây là vấn đề nan giải rất khó xử lý.
"Diện tích đất rừng nhà ông Đông cũng như của hàng trăm hộ dân trước đây được nhà nước giao khoán, sau này khi đưa diện tích này vào rừng đặc dụng Hàm Rồng thì việc kiểm kê, đền bù chưa được thực hiện, chính vì thế hộ ông Đông cho rằng đây là đất là rừng của mình nên cố tình khai thác"- ông Hoàng thông tin.
Để ngăn chặn được việc phá rừng tại đây, theo ông Hoàng, mấu chốt phải làm rõ được việc cắm mốc, xác định ranh giới rừng, sau đó kiểm kê lại toàn bộ diện tích trình UBND tỉnh xem xét thu hồi, bồi thường cho dân. "Dù rừng đã giao cho chúng tôi, thế nhưng hiện có rất nhiều hộ dân có đất trong rừng đặc dụng, họ có sổ lâm bạn và được giao đất rừng lâu dài mà chưa thực hiện thu hồi. Nên việc giải quyết tranh chấp nhiều năm nay rất khó khăn, vì thế cần phải khái toán, làm rõ việc này để có hướng bồi thường thì mới giải quyết dứt điểm được"- ông Hoàng lý giải.
Diện tích rừng bị chặt phá nằm rất gần động Tiên Sơn, một trong những thắng cảnh đẹp thuộc danh thắng Hàm Rồng đã được nhà nước công nhận, bảo vệ
Cò theo bà Lê Thị Hòa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Thanh Hóa cho biết đây là vụ việc kéo dài nhiều năm, những lần vi phạm Hạt đều phát hiện, phối hợp lập biên bản báo cáo chủ rừng, chính quyền địa phương xử lý. Thậm chí, theo bà Hòa, Kiểm lâm TP đã có lần lập biên bản vi phạm đề nghị TP Thanh Hóa xử phạt 40 triệu đồng về hành vi phá rừng, thế nhưng hộ vi phạm không chấp hành.
"Cái khó ở đây là quy hoạch rừng đặc dụng từ năm 1999, thế nhưng chưa đền bù được cho dân. Lợi ích của nhà nước và người dân ở đây chưa được rõ ràng"- bà Hòa cho hay.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Thanh Hóa cũng cho biết, hiện nay UBND TP đang giao cho Hạt phối hợp với Công an TP Thanh Hóa củng cố hồ sơ, làm rõ các hành vi khai thác, san ủi xâm hại rừng đặc dụng để xử lý, có thể xem xét khởi tố hình sự nếu đủ căn cứ.
Bình luận (0)