Ngày 4-10, phóng viên Báo Người Lao Động đã có trao đổi với ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), liên quan đến vụ việc được dư luận quan tâm thời gian qua khi một doanh nghiệp (DN) kiện cơ quan này ra toà, yêu cầu bồi thường số tiền hơn 12,7 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động về vụ kiện - Ảnh: Văn Duẩn
Trước đó, TAND Hà Nội đã tiếp nhận đơn khởi kiện hành chính của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Vinacomin (V-Itasco, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) về nội dung không tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Cụ thể, tháng 3-2020, V-Itasco mua 10 ôtô có buồng lái của một hãng ở Hà Lan, trị giá gần 30 tỉ đồng. Khi lô hàng về đến cảng Hải Phòng, V-Itasco không thể làm thủ tục thông quan khi chưa có giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa do Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành.
Sau khi V-Itasco kiến nghị, Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo với Bộ GTVT rằng tiêu chuẩn khí thải của các xe này không đáp ứng được yêu cầu theo quy định nên không thể tiếp nhận giải quyết thủ tục.
Theo đại diện V-Itasco, đã hơn 2 năm lô hàng nhập về cảng nhưng không được thông quan do Cục Đăng kiểm Việt Nam không tiếp nhận giải quyết khiến doanh nghiệp thiệt hại hơn 12,7 tỉ đồng. V-Itasco khởi kiện ra TAND Hà Nội đề nghị xác định hành vi không tiếp nhận giải quyết hồ sơ của Cục Đăng kiểm Việt Nam là trái pháp luật và phải bồi thường cho DN hơn 12,7 tỉ đồng.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tô An cho biết Cục Đăng kiểm Việt Nam đã làm hết sức mình theo đúng quy định pháp luật để hỗ trợ DN tháo gỡ vướng mắc khi nhập khẩu lô hàng nêu trên.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động về vụ kiện - Video: Văn Duẩn
Theo ông An, ngày 17-4-2019, Bộ GTVT có văn bản số 3535 trả lời nêu rõ: Căn cứ vào Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, ôtô tự đổ Scania của Công ty lắp ráp, hoạt động trong nội bộ công trường khai thác mỏ mà không tham gia giao thông đường bộ thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 116. Đồng thời cũng không áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 căn cứ theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, V-Itasco thực hiện không đúng theo hướng dẫn trong văn bản số 3535 của Bộ GTVT khi làm thủ tục đăng kiểm cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước mà lại nhập khẩu 10 xe ôtô sát-xi (Chassis) có buồng lái chưa qua sử dụng nhập khẩu nhãn hiệu Scania có tiêu chuẩn khí thải Euro 3.
"V-Itasco đã có văn bản số 505/V-ITASCO ngày 25-10-2021 gửi Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận: Do nhận thức chưa đúng về ý kiến của Bộ GTVT tại công văn số 3535, ngày 29-11-2019, nên công ty đã tiến hành ký hợp đồng mua 10 xe ôtô sát-xi tiêu chuẩn khí thải Euro 3 của hãng Scania để sản xuất xe ôtô tự đổ chạy trong phạm vi hẹp công trường mỏ"- ông An nói.
Theo ông An, lô hàng 10 ôtô sát-xi có buồng lái Scania do V-Itasco nhập khẩu có tiêu chuẩn khí thải Euro 3 xin được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoạt động trong công trường. Tuy nhiên lô hàng này không đạt yêu cầu theo quy định tại quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tức là phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, nên Cục Đăng kiểm Việt Nam từ chối tiếp nhận giải quyết.
Lô hàng 10 ôtô sát-xi (Chassis) có buồng lái Scania do V-Itasco nhập khẩu - Ảnh: V-Itasco
Theo ông An, sau lô 10 xe sát-xi trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại văn bản số 11464, trong năm 2021, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho 3 lô hàng xe ôtô sát-xi có buồng lái Scania gồm 31 xe có tiêu chuẩn khí thải Euro 4 cũng do Công ty Vinacomin nhập khẩu.
"Tôi không hiểu vì sao, dù đã giải thích rất rõ ràng, và phía DN thừa nhận do nhận thức chưa đúng ý kiến của Bộ GTVT và "cầu cứu" không được, công ty V-Itasco lại nộp đơn khởi kiện Cục Đăng kiểm" - ông An đặt câu hỏi.
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết TAND TP Hà Nội đã mời Cục Đăng kiểm Việt Nam đến hòa giải và có một buổi đối thoại với phía DN theo trình tự, thủ tục khởi kiện, thụ lý vụ án. Tại các buổi hòa giải và đối thoại, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan và khẳng định quan điểm Cục đã tổ chức nhiều cuộc họp để xem xét, làm việc với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan để hỗ trợ DN, giải quyết vướng mắc cho lô hàng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện DN là Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm, cho biết đã tham gia các buổi hòa giải, đối thoại theo trình tự giải quyết của Tòa án. Sau buổi đối thoại, Tòa án sẽ thông báo thụ lý đơn khởi kiện. Theo ông Phất, DN giữ quan điểm chờ phán quyết từ tòa án.
Luật sư Phất bày tỏ băn khoăn trong việc áp dụng các quy định pháp luật của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó có sự thiếu thống nhất khi áp dụng 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô, xe môtô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Đồng thời, vị luật sư đại diện DN cho rằng cơ quan này đang "rải đinh" khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN.
Trước ý kiến đại diện DN cho rằng Cục Đăng kiểm Việt Nam "rải đinh" khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Tô An cho rằng: "Rải đinh" chúng tôi được gì?
Ông An khẳng định: Nếu các lô hàng không đáp ứng các quy định hiện hành thì cương quyết từ chối. Nếu lô hàng đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải, đương nhiên Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ giải quyết hồ sơ rất nhanh. "Cục luôn giữ quan điểm đặt lợi ích xã hội lên trên hết"- ông An nhấn mạnh.
Cần tuân thủ theo quy định của pháp luật
Từ vụ việc này, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cũng khuyến cáo các DN cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật trước khi tiến hành hoạt động nhập khẩu, tránh các trường hợp tương tự.
"Nếu cần tham vấn về quy định hiện hành, doanh nghiệp hoàn toàn có thể liên hệ Cục Đăng kiểm Việt Nam và cơ quan này sẵn sàng trả lời với nhiều hình thức như trực tiếp, qua điện thoại, email hoặc văn bản"- ông An cho hay.
Bình luận (0)