Nhiều lần tìm vào các bản làng xa xôi của huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, tôi thường nhận được lời nhắn: "Gần 15 mùa rẫy kể từ khi thầy Trí chuyển đến giảng dạy ở điểm trường khác, không biết bây giờ thầy có khỏe và còn đi dạy nữa không? Nếu gặp được thầy ấy, nhờ cậu chuyển lời rằng người dân bản Trỉa mong thầy lắm". Lời gửi gắm ấy tôi đã nhận lâu lắm rồi nhưng gần đây mới có dịp chuyển đến thầy Phan Trí (SN 1978, giáo viên tiểu học Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Hướng Lập), đang dạy lớp 1 ở điểm trường lẻ thôn Cù Bai.
Lao vào điểm khó
Cù Bai một ngày mưa tầm tã, tuyến đường rừng dài hơn 10 km dẫn vào bản càng lầy lội. Tiếp tôi trong căn phòng giáo viên đơn sơ nép bên điểm trường Cù Bai, gương mặt đen đậm của thầy Trí như sáng lên khi tôi chuyển lời thăm hỏi của người dân bản Trỉa.
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp, thầy Trí xin vào dạy hợp đồng ở Trường Phổ thông cơ sở Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Một tuần sau, thầy được phân công vào dạy ở điểm trường thôn Trỉa - địa bàn cách trở nhất của huyện miền núi Hướng Hóa. "Lúc đầu tưởng gần, ai dè luồn lách trong rừng hơn 5 giờ và lội qua tất cả 13 khe suối đến bủn rủn tay chân tôi mới đến được nơi" - thầy Trí bồi hồi nhớ lại.
Thầy Phan Trí dạy phụ đạo cho các em học sinh thôn Cù Bai vào ban đêm
Bản Trỉa mười mấy năm về trước nghèo lắm bởi không đường, không điện nên bà con chịu cảnh cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đây là địa bàn rất ám ảnh đối với các giáo viên lần đầu đến nhận công tác. "Thời đó, lớp học chỉ là một túp nhà làm bằng tre nứa. Hằng ngày, hễ xong tiết là thầy cùng trò đi bắt cá, hái nấm, rau rừng để cải thiện bữa ăn. Những ngày cuối tuần, tôi lên nương cùng dân bản trồng lúa, phát nương rồi đi nhặt phế liệu kiếm thêm thu nhập bởi lương hồi đó chỉ 500.000đồng/tháng, không đủ chi tiêu" - thầy Trí kể.
Dạy học ở bản Trỉa được một năm thì thầy Trí hết hạn hợp đồng. Hôm rời điểm trường về nhà, người dân lũ lượt lội suối vượt rừng đi theo đưa tiễn thầy. "Dọc đường đi bà con cứ hỏi tôi "giờ thầy đến dạy ở đâu để khi nào rảnh chúng tôi ra thăm". Tôi nghẹn đắng không biết trả lời ra sao bởi chỉ được nhận dạy hợp đồng 1 năm, năm học tới biết có được nhận hợp đồng đi dạy nữa hay không?" - thầy Trí nhớ lại.
Sau khi hết hợp đồng dạy học ở bản Trỉa, thầy Trí xin dạy một điểm trường lẻ ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông). Một năm sau, hết hạn hợp đồng, thầy tiếp tục xin dạy hợp đồng ở những bản làng biên giới xã Hướng Lập, nơi mà chỉ cần nhắc cái tên thôi cũng đủ thấy sự xa xôi cách trở: Tà Păng, Cuôi, Cựp, Sê Pu…
Sau 5 năm dạy học với đồng lương 500.000 đồng/tháng và phải làm thêm đủ nghề để lo cho gia đình thầy mới được vào biên chế nhà nước. Dù vậy, thầy vẫn tiếp tục gắn bó với các điểm trường lẻ cho đến nay.
Thầy Trí lập gia đình vào năm 2012, hiện sống tại xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa) và đến nay đã có một trai, một gái. Vợ thầy, cô Hồ Thị Bích Hạnh, cũng là một giáo viên dạy tiểu học nhưng cách điểm trường của thầy gần 100 cây số. "Chồng dạy phía Bắc, vợ dạy phía Nam nên cuối tuần gia đình mới đoàn tụ. Cũng có những ngày mưa lớn ngập đường, không ra nhà được thế là tôi ở lại cùng dân bản" - thầy Trí chia sẻ.
Cái chữ gần hơn
19 giờ, học sinh Vân Kiều rủ rỉ kéo nhau đến điểm trường Cù Bai để tham dự buổi học phụ đạo. Trong đêm, tiếng ê a đọc bài át cả sự tĩnh mịch, thâm u nơi vùng biên Tổ quốc. "Cứ mỗi tuần 3 ngày, chúng tôi tổ chức lớp học phụ đạo. Lúc đầu mở lớp, chỉ một vài em đến học nhưng nay đã vào nền nếp, cứ đến 7 giờ tối là hầu hết em đã có mặt" - thầy Trí khoe.
Khi tiết học kết thúc, ngoài trời mưa rỉ rả, thầy Trí rủ tôi cuốc bộ đến nhà em Hồ Thị Thạch (học sinh lớp 1) bởi tối nay em vắng học. Hóa ra Thạch bị ốm, đang nằm co quắp ở một góc nhà sàn. Cảm động trước sự quan tâm ân cần của thầy Trí, bố Thạch, ông Hồ Văn Bằng, cho biết chiều Thạch đi học về dầm mưa nên bị sốt nhẹ. "Tối nay cháu đòi đến trường học với bạn nhưng chúng tôi không cho cháu đi vì sợ bệnh nặng thêm. Mong thầy thông cảm, khi nào cháu khỏe, vợ chồng tôi sẽ đưa cháu đến trường học tập đầy đủ" - ông Bằng giải thích.
Theo thầy Trí, trước đây đồng bào Vân Kiều ở bản Cù Bai nói riêng và các bản làng khác ở huyện Hướng Hóa nói chung chưa xem trọng việc học của con cái và luôn thường trực suy nghĩ "10 điểm cũng làm rẫy mà 1 điểm cũng làm rẫy". Vì thế, trong thời gian dài các thầy cô giáo phải cắm bản "cùng ăn, cùng ở" tuyên truyền, vận động để thay đổi quan niệm lạc hậu này.
"Khi các phụ huynh đã hiểu ra lợi ích của việc học tập thì đến rào cản khác là các em học sinh, nhất là lớp 1, chưa hiểu tiếng phổ thông nên rất khó tiếp thu, hứng thú với việc học. Chúng tôi phải học thêm tiếng Vân Kiều để giao tiếp, giảng dạy hiệu quả hơn.Trong 15 năm dạy trẻ, tôi luôn tâm niệm rằng thà cho học sinh vùng cao biết từng chữ một còn hơn không biết chữ nào" - thầy Trí bộc bạch.
Nói về thầy giáo Phan Trí, thầy Phan Ngọc Dương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Hướng Lập, cho biết thầy Trí chính là người giáo viên mẫu mực. "Về chuyên môn, 2 năm liên tiếp thầy Trí là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đối với con trẻ, thầy dạy dỗ nhiệt tình, có trách nhiệm và luôn được người dân tin cậy, thương yêu" - thầy Dương nói.
Món quà đầu tiên
Trong 15 năm cắm bản "gieo chữ", thầy Trí nhận được món quà duy nhất trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Đó là vào năm 2014, 2 học sinh cũ người Vân Kiều đã tặng thầy một quyển sổ và ngòi bút. "Hai em Hồ Thị Han và Hồ Thị Huân (học sinh cấp 3, trú ở bản Cựp, xã Hướng Lập) đã lặn lội hàng chục cây số vào nơi tôi công tác để tặng quà nhân ngày 20-11. Ngòi bút, quyển sổ được các em bỏ đơn sơ trong bao ni-lông nhưng khiến tôi cảm động rơi nước mắt" - thầy Trí kể.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-11
Kỳ tới: Truyền lửa đam mê toán học
Bình luận (0)