Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7-4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ, hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
ĐB Đinh Ngọc Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) phát biểu sáng 7-4
ĐB Đinh Ngọc Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) băn khoăn hiện nay khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội chiếm đến 70%. Vậy sau khi sửa luật lần này, Ban Soạn thảo đánh giá có thể giảm được tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ở mức nào?
ĐB Đinh Ngọc Minh cho rằng một số quy định hiện tại của dự thảo luật có thể gây ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực thi sẽ rất khác nhau và tăng nguy cơ khiếu kiện. Ví dụ như quy định về phân loại đất và quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều 10 của dự thảo luật phân ra rất nhiều loại đất nhưng Điều 117 chỉ có một số ít phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
ĐB Minh cũng đặt câu hỏi liệu việc sửa Luật Đất đai lần này có giảm được tính đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không? ĐB đề nghị Ban Soạn thảo cần có đánh giá cụ thể về vấn đề này nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản. Bên cạnh đó, liệu việc sửa đổi luật lần này có tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để mở các công xưởng, nhà máy nhằm tận dụng được cơ hội, phát triển kinh doanh hay không?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Còn ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất sao cho rõ ràng. Vị ĐB của tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ông Hòa cho rằng đây là vấn đề cần thiết nhưng đề nghị cần tách bạch rõ ràng việc thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ an sinh xã hội, công cộng với thu hồi đất các dự án thương mại, khu đô thị mới.
Với các dự án này, nhà đầu tư phải có sự thỏa thuận với người dân sao cho phù hợp. Nhà nước không nên thu hồi đất với các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời cần có quy định cụ thể để xác định các trường hợp thu hồi đất sao cho rõ ràng.
Về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị quy định về tái định cư cần làm rõ hơn là nhà nước hỗ trợ tái định cư cần có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, ĐB băn khoăn quy định như dự thảo thì "tốt hơn là như thế nào?" thì chưa rõ ràng.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho biết nội dung về phương pháp xác định giá đất là vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chỉ đề cập đúng một câu về nội dung này và giao Chính phủ quy định chi tiết. ĐB Quỳnh Thơ cho rằng để dự thảo luật này đảm bảo tính khả thi và có hiệu lực cao, đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá và các trường hợp áp cụ thể…
ĐB Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho rằng nếu đến năm 2025 mới có bảng giá đất thì sẽ muộn so với yêu cầu của thị trường đất đai hiện nay, khi thị trường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. ĐB đề nghị cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) phát biểu
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho biết tại Điều 118 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước đây, cơ quan soạn thảo có bổ sung trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động trong khu công nghiệp thuê.
Theo ĐB, đây là quy định hết sức đúng đắn, nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đến đời sống của công nhân, người lao động. Đó là những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Trên thực tế, đời sống của công nhân, người lao động rất vất vả, việc tiếp cận đất đai, nhà ở hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật trình tại hội nghị này, ĐB chỉ ra rằng không có quy định trên được thể hiện trong dự thảo. Do đó, ĐB Nguyễn Hữu Thông đề nghị QH bổ sung quy định vào một khoản tại Điều 114 về việc giao đất không thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Qua đó, công nhân, người lao động mới dễ tiếp cận đất đai, ổn định nơi ở để đảm bảo an cư lạc nghiệp.
Qua việc thống kê cho thấy nhân dân quan tâm hết sức toàn diện và đồng bộ luật này, có 8 nhóm vấn đề lớn như vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhận được gần 1,16 triệu ý kiến. Đây là vấn đề sát với người dân nên người dân gửi ý kiến này nhiều nhất. Vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có hơn 1 triệu ý kiến; tài chính đất đai, giá đất 0,98 triệu ý kiến; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 0,95 triệu ý kiến; chế độ sử dụng đất 0,92 triệu ý kiến; thu hồi đất, trưng dụng đất 0,89 triệu ý kiến; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận 0,88 triệu ý kiến; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì đã được 0,87 triệu ý kiến quan tâm.
Bình luận (0)