xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một thời ăn "cơm sạn"

Xuân Phong

Nhớ như in từng khuôn mặt buồn thiu, tức tưởi của 3 đứa em lúc nhai cơm mà đụng phải bao nhiêu là sạn trong mồm...

Quê tôi, thị trấn Tứ Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), là thôn nghèo chiêm trũng nằm bên bờ Nam con sông Thái Bình đỏ nặng phù sa. Những năm chiến tranh, cha tôi phục vụ trong quân đội, cứ đi biền biệt. Một mình mẹ tôi vất vả cáng đáng lo toan, chăm bẵm nuôi đàn con khôn lớn. Giữa lúc giặc leo thang ném bom đánh phá miền Bắc cũng là thời kỳ sức khỏe mẹ tôi giảm sút. Không còn kham nổi việc đồng áng, mẹ đành theo học nghề làm nón.

Không một bữa no!

Từ khi mẹ học nghề cho đến lúc thành thạo, có thể kiếm nổi dăm bữa ăn thường nhật, dù chỉ đạm bạc, để nuôi 7 miệng ăn trong nhà cũng đã là cả một quá trình "đổ mồ hôi, sôi nước mắt".

Suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, như bao thôn quê hậu phương lớn miền Bắc, thực hiện khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả cho tiền tuyến", người dân quê tôi luôn gồng mình, lo từng hạt gạo, manh áo, góp sức gửi ra chiến trường. Làng quê còn đói nghèo, người nông dân lam lũ "một nắng hai sương" trên ruộng đồng. Gia đình tôi an phận với nghề làm nón.

Cha là sĩ quan quân đội, mẹ theo nghề "nhàn hạ" (cách nói của người trong làng thời bấy giờ về nghề nón), vậy mà cuộc sống của gia đình vẫn cơ cực hơn cả những hộ nhà nông. Mẹ tôi vốn đã yếu, lại mắc thêm chứng đau răng kéo dài, người cứ gầy rộc đi, ảnh hưởng lớn tới công việc.

Một thời ăn cơm sạn - Ảnh 1.

Cha và mẹ tôi (Ảnh do tác giả cung cấp)

Nón làm ra, hằng tháng nộp sản phẩm, thường chỉ đạt 2/3 định mức giao. Tôi là con trai nên mẹ sai đi nộp nón. Mỗi tháng, phải gánh bộ quãng đường dài 7 cây số mới tới nơi nhận sản phẩm. Nhìn vào sản phẩm các gia đình trong tổ, nhà nào nhà nấy nón xếp chồng đống cao ngất ngưởng, còn nhà mình chỉ một dúm, thu lu ở góc thì chạnh lòng, nghĩ lại thấy thương mẹ quá! Mẹ đã phải lao tâm khổ tứ, dẫu sức khỏe kém, vẫn gắng lao động miệt mài, thay cha nuôi dạy đàn con.

Những năm đói kém, gia đình tôi càng lâm vào cảnh cơ hàn. Tiếng là được "đong gạo kho" nhưng có tháng nào đủ ăn! Mỗi tháng, cả nhà trông vào mấy chục cân lương thực thì có tới 1/3 phải độn (hạt bo bo, hạt ngô rắn như đá…). Có tháng, người ta "xuất nhầm" cho số gạo mục nát, cơm nấu ra nở bằng mấy cơm gạo nhà nông, ăn nhạt toẹt, lại lẫn đầy thóc, sạn và cả sâu. Đồng lương cha gửi về cũng chỉ trang trải phần nào vào việc học hành của các con, chi tiêu lặt vặt.

Sau giải phóng, cuộc sống của gia đình tôi chưa thoát được cảnh nghèo túng. Cơ cực nhất là phải vác rá đi khắp xóm vay gạo mà không được. Nhà nào cũng bảo "hết rồi"! Mẹ tôi đã phải cậy nhờ người nhọc công cấy nào hoàng tinh, nào dong riềng rải khắp vườn, đến mùa thu hoạch lấy củ ăn độn cơm. Bữa ăn dọn ra, cơm "chạy mỗi nơi một hạt", còn lại lổn nhổn hoàng tinh, dong riềng thái thành từng miếng. Nhai, nuốt không nổi!

Có những trưa đi học về, thấy nhà vắng tanh, bụng thì đói meo. Người hàng xóm bảo "mẹ dặn ra bà ngoại ăn cơm, nhà hết gạo rồi"…

Gặp sạn thì cứ nuốt vào trong!

Có hai kỷ niệm mà mỗi khi nhớ về thì lòng tôi lại thấy xốn xang.

Năm 1979, thời kỳ có nhiều biến động phức tạp xảy ra. Cha tôi - khi đó là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Quân đội Nhân dân (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân) - bận trực chiến cơ quan nên thời gian về nhà rất hiếm hoi. Một người bạn chí cốt của cha - bác Lê Bằng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Quân đội Nhân dân, nhân chuyến công tác đã ghé thăm gia đình tôi.

Trưa hôm đó, mẹ chạy vạy khắp xóm cố "vay" được con gà mái còm, về làm cơm đãi khách.

Bữa ăn được dọn ra. Vì háu đói nên thằng lớn là tôi (người chị đã đi công tác từ năm 1977) xới cơm ăn trước. Nhưng bỗng "soạt" - miệng đầy sạn, tôi vội nhằn ra. Lại và miếng cơm tiếp, rồi tiếp nữa vẫn thấy lạo xạo trong mồm.

- Cơm toàn sạn là sạn, không ăn được mẹ ạ!

Mẹ kiểm tra lại nồi cơm, nom thấy nhiều sạn, vội bảo:

- Con lấy gạo ở đâu?

- Con mở ang, hết nhẵn, thấy có túi gạo đặt bên cạnh nên con lấy.

- Chết chửa! Đấy là gạo lũ chuột chù nó bới ra từ bao giờ, mẹ hốt bỏ vào túi.

Bác Bằng nghe thấy thế thì vội lên tiếng, cốt làm dịu nỗi buồn:

- Nào cho bác bát cơm, ăn xem sạn nó "phá ngang" ra làm sao nào!

- Em có lỗi! Quả cơm lắm sạn, không thể ăn nổi bác ạ. Để em sai cháu đi kiếm gạo thổi đằng khác, loáng cái là xong thôi mà.

- Không cần đâu, chị Nhâm. Bác cháu tôi con nhà lính, chịu đựng được.

Rồi bác quay sang động viên:

- Ăn đi các cháu, hễ gặp phải sạn thì đừng nhai tiếp mà nuốt vào trong.

Năm 1980, tôi tình nguyện vào bộ đội - đơn vị 249, Lữ đoàn Công binh Sông Lô. Sau 6 tháng tập luyện, lao động vất vả, tôi được đơn vị cho về thăm nhà ít ngày.

Một thời ăn cơm sạn - Ảnh 2.

Tôi - người viết bài (bìa phải - ảnh do tác giả cung cấp)

Đúng ngày tôi về thì mẹ lại lên Hà Nội thăm cha.

Lũ trẻ mừng vui khôn xiết, bởi trong con mắt các em thì đây là lần đi xa đầu tiên, lâu nhất trong đời của người anh trai, nay mới được gặp. Còn tôi, tôi cứ đứng ngây ra đó và sau gáy mình như có hàng ngàn mũi kim châm khi nhìn lại cảnh nhà quạnh hiu, xơ xác, lũ em nhỏ nheo nhóc, dẫu quãng thời gian xa cách chưa là bao.

Lũ trẻ tò mò ngắm nhìn bộ quần áo lính mới tò te, mũ sao chỉnh tề của người anh trai, không khỏi ngạc nhiên và tò mò, hỏi gặng đủ điều và "thèm" bộ quần áo mới. Bất chợt, tôi ngó lại mình rồi nhìn 3 đứa em gầy gò, đen đúa, áo quần đều ngả màu cháo lòng, lôi thôi lếch thếch.

Đang vui, bỗng đứa em gái út tên Hồng (9 tuổi) vội kéo tôi ra một chỗ, giọng mếu máo:

- Anh ơi, mẹ lên Hà Nội với bố rồi. Hôm nay, nhà chẳng còn gạo ăn đâu.

- Mẹ đi vắng, không mua gạo sẵn thì các em ở nhà sống bằng gì?

- Mẹ dặn chiều nay mẹ sẽ về.

- Vậy trưa nay, các em nhịn đói ư?

Ngẫm nghĩ một lát, bỗng nó reo lên:

- À, em nhớ ra rồi, nhà mình vẫn còn gạo đấy.

Nói rồi Hồng chạy tót vào trong, bê ra cái thúng nhỏ đựng độ chừng non 2 cân gạo.

- Đây là gạo xay, lẫn cả trấu với bủi?

- Vâng ạ! Em sẽ cho vào cối giã cua, giã như người ta vẫn giã chày cối giã gạo bằng chân ấy.

Tôi gặng hỏi về số gạo ít ỏi kia từ đâu mà có, Hồng kể: "Dạo nghỉ hè vừa rồi, mấy bạn ngày nào cũng rủ em đi mót thóc. Đem về nhà, cụ Trạm bảo "để tao đi xay". Sau đó, em lấy cái rá hẩy lên hẩy xuống nhiều lần cho ra bớt trấu rồi cất đi, định để hôm nào thì mang giã…".

"Cụ Trạm" - một người bà con trong họ - khi đó mắt đã mù lòa, ốm yếu. Cụ có người thân nhưng chẳng ai cưu mang. Cha tôi là trưởng tộc, đã nhận cụ về phụng dưỡng.

Trưa hôm đó, một bà cụ với chàng lính trẻ đi xa nhà lần đầu về thăm nhà và 3 đứa con nít được một bữa cơm nhớ đời lẫn thóc, bủi, sạn - công sức nhọc nhằn của đứa em út hằng ngày phơi nắng phơi gió ngoài đồng, nhặt từng bông lúa vương vãi mang về… Nhớ bà cụ già nua móm mém, trong khi lũ nhỏ nhăn nhó, thì cụ tịnh không than phiền một tiếng nào. Cụ còn an ủi vỗ về:

- "Cố lên các con. Mẹ các con cũng khổ tâm, vất vả sớm hôm. Các con hãy thương bố mẹ mà gắng chịu đựng. Xới cơm cố mà ăn cho no. Chớ có nhai mạnh mà hỏng răng. Cứ nhìn cụ đây này, mỗi miếng cơm cụ cho vào mồm, chỉ cần nhằn nhằn vài cái rồi nuốt, cốt sao đầy bụng"…

* * *

Ngày nay, đất nước trên đà phát triển - đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam không những sản xuất đủ lương thực, cung cấp cho gần 100 triệu dân, mà còn xuất khẩu liên tiếp nhiều năm qua, trở thành quốc gia xuất khẩu nhất nhì trên thế giới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã tăng lên gấp bội phần. Nhưng không thể nào quên những ngày tháng ăn "cơm sạn" ấy, nhớ để luôn nỗ lực vượt qua khó nghèo, phấn đấu vươn lên từng ngày… 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Một thời ăn cơm sạn - Ảnh 3.
Một thời ăn cơm sạn - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo