Yên Bái là một trong những tỉnh thiệt hại nặng nhất do bão số 3 và mưa lũ lớn gây ra những ngày qua. Tính đến chiều 21-7, mưa lũ đã cô lập hoàn toàn 29 xã thuộc 5 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Toàn tỉnh đã có 10 người chết, 8 người mất tích và 11 người bị thương; 3.877 căn nhà bị thiệt hại, trong đó có 97 căn bị thiệt hại hoàn toàn, 189 căn bị hư hỏng 50% - 70%.
Tại Ninh Bình, dù mưa tại địa phương này không lớn nhưng do nước từ Hòa Bình đổ về khiến các xã Gia Thịnh, Xích Thổ và Gia Thủy của huyện Nho Quan chìm trong biển nước; hàng ngàn hecta lúa, rau màu ngập sâu. Nước sông Hoàng Long vẫn đang ở mức cao nên nguy cơ tràn đê, vỡ đê có thể xảy ra ở địa phương này.
Mưa lớn kéo dài cũng đã gây ngập lụt tại nhiều điểm trên địa bàn TP Hạ Long và huyện Cẩm Phả của tỉnh Quảng Ninh, khiến hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp. Theo ghi nhận của phóng viên, khu dân cư các phường Cao Thắng, Hà Tu, Hà Phong, Cao Xanh (TP Hạ Long) ngập sâu trong nước; nhiều tuyến đường bị chia cắt. Còn tại phường Bãi Cháy, mưa làm cho bùn đất của nhiều công trình đang xây dựng trên núi trôi xuống, gây nguy hiểm đến hàng chục hộ dân tại tổ 1, khu 10, khiến TP Hạ Long phải lên phương án di dời những hộ này đến nơi an toàn.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: ĐÔNG BẮC
Tại Nghệ An, trưa 21-7, mưa lũ làm sập đổ, cuốn trôi dãy phòng học của Trường Tiểu học xã Mường Ải (huyện Kỳ Sơn). Trước đó, mưa lũ đã cuốn trôi 1 bể nước và 1 nhà tắm của trường này. Trong ngày, do nước lũ tràn về nhanh, nhiều tuyến đường như Quốc lộ (QL) 48D, QL16, QL7… sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị ảnh hưởng.
Tính từ ngày 13 đến 21-7, mưa to trên diện rộng ở Thanh Hóa đã gây ngập úng nhiều vùng và xảy ra lũ quét tại bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh làm 2 người chết và 2 người mất tích. Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa huy động gần 500 người cùng người dân địa phương tìm kiếm nạn nhân mất tích nhưng đến cuối ngày 21-7 vẫn chưa có kết quả. Cùng ngày, trước diễn biến mưa lũ còn nhiều phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã có công điện khẩn gửi 27 huyện, thị xã, TP yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong khi đó, Hà Nội cũng đang nỗ lực khắc phục hậu quả, ứng phó với mưa lũ. Trận mưa lớn kéo dài từ đêm đến sáng 21-7 khiến nhiều tuyến đường ở TP Hà Nội ngập nặng. Lượng mưa đo được ở đoạn đầu đường Pháp Vân, đại lộ Thăng Long đoạn qua Tây Mỗ và nhiều tuyến đường như Quan Nhân (quận Thanh Xuân), Hoa Bằng (quận Cầu Giấy)... ngập từ 20 đến 50 cm…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày và đêm 21-7, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và giông; riêng các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa có mưa rất to. Mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ diễn biến phức tạp và kéo dài nhiều ngày tới. Dự báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng còn xảy ra.
Bình luận (0)