Mới hửng sáng, hàng trăm chiếc xe đạp cũ kỹ đã tập trung ở các bến sông bên quận 7. Các chị, các cô vào tận bến mua sỉ cam, xoài, chuối… rồi tất tả ngược xuôi đưa đến các ngả đường của thành phố.
Nhiều người mưu sinh vất vả hằng ngày bên xe trái cây. Ảnh: HỒ PHI
Buổi trưa, bắt gặp một chị đang thồ trên xe đạp hàng trăm nải chuối xiêm vừa chín tới ở ngã 6 Phù Đổng (quận 1, TP HCM). Xe hàng quá nặng, chị vất vả dìu đi từng đoạn một. Hỏi chuyện, chị cho biết quê ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), vợ chồng vào đây thuê nhà được một năm. Chồng chị phụ hồ, chị bán chuối. Mỗi nải chuối chị bán 15.000 đồng, lời được 1.500 đồng. Bán đến chiều nếu hết cả xe chuối thì chị kiếm được gần 200.000 đồng. Có hôm ế ẩm phải bán đến tối hoặc để qua ngày.
"Quê giờ khó khăn lắm anh à. Con cái đang đi học, chắt mót được đồng nào thì lo cho tụi nhỏ" - chị kể. Ở quê, tuổi của anh chị rất khó tìm được việc làm. Thế là cả xóm rủ nhau đi. TP HCM đông đúc nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Thử nhẩm tính, nải chuối quê chỉ 15.000 đồng, thế mà san sẻ được cho chị hàng rong 1.500 đồng, rồi gánh bao chi phí chuyên chở từ miền Tây lên, tiền cho thương lái… đến vườn thì người trồng chỉ còn vài ngàn mỗi nải. Thật ít ỏi nhưng nó đã gắn liền sinh kế của bao gia đình.
Nhớ những năm trước, quả vải ùn ùn xuất khẩu. Tại các đô thị, dù rộ mùa nhưng vẫn có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. Giá này thì ai cũng vui, người bán rong ngày bán 50 kg vải cũng kiếm được 500.000 đồng, thương lái cũng lãi to rồi nhà vườn cũng phấn khởi theo. Nhưng nay chỉ 25.000 đồng/kg, quả vải lại lâm cảnh vất vả như nhiều loại trái cây khác. Cầm cự đến cuối mùa đã là may, để rồi gắng gượng qua năm gầy dựng vụ mùa mới trong thấp thỏm âu lo.
Trái cây vào mùa được bán khá rẻ ở TP HCM. Ảnh: NGUYỄN NGUYÊN
Chợt nhớ, theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả của cả nước đạt gần 2 tỉ USD. Xuất khẩu rau quả được kỳ vọng sẽ là ngành kinh tế mạnh của quốc gia. Vui thật đấy nhưng những người trồng trọt nhỏ lẻ này - vốn chiếm phần lớn diện tích nông nghiệp - sẽ đứng chỗ nào trong bức tranh hào nhoáng kia? Họ nuôi giấc mơ lớn lao, gầy dựng những kế hoạch lâu dài nhưng đang rất vất vả đối diện với những khó khăn hiện tại. Hãy hình dung giá cả vật tư luôn tăng, thời tiết nhiều khi không thuận lợi, trái cây từ Tây Nguyên đến TP HCM phải qua khoảng 10 trạm thu phí. Người trồng bán được hàng cảm ơn thương lái, thương lái lại cảm ơn những người bán lẻ và đến người bán lẻ lại cảm ơn người mua. Một ít trái cây thôi cũng gắn đủ với bao phận người.
Giá rẻ lại có câu chuyện ấm lòng của giá rẻ. Đô thị náo nhiệt, bươn chải đấy nhưng cũng không thiếu cảm tình lắng đọng. Giờ hầu như ai cũng nhẹ nhàng mua vài món hàng rong mà không cần phải trả giá. Thấy anh chị còn nhiều hàng thì mua nhiều thêm chút để mong họ sớm dọn hàng về với gia đình. Thấy trời mưa gió thì thôi mua thêm dăm ba ký tặng xóm giềng. Nhiều người cứ nghĩ, đã hào phóng được ở những nơi sang cả thì ai lại đắn đo với người vất vả. Mua thưởng thức nhưng cũng là mua để sẻ chia.
Mua được hàng giá rẻ cũng chẳng thấy vui. Nhìn mấy chị, mấy cô ghì vai đẩy chiếc xe đạp nặng trĩu trái cây giữa trời nắng đổ mà thấy chạnh lòng. Nải chuối, trái cam, chùm vải… rẻ thật đấy, nhưng nó là một phần học phí của những đứa trẻ, là bữa cơm thêm ngon miệng của người già và có thể là một mái nhà vững chắc nơi quê xa trong mùa giông bão sắp đến.
Bình luận (0)