Từ đêm 18 và cả ngày 19-11, nhiều khu vực ở TP HCM bị ảnh hưởng nặng bởi mưa gió do áp thấp nhiệt đới gây ra. Tại quận 2, nhiều căn nhà bị tốc mái, cây xanh gãy đổ. Đến tối cùng ngày, mưa lớn vẫn tiếp tục đổ xuống trên diện rộng, kết hợp với triều cường gây ngập nhiều nơi.
Cây đổ, nhà tốc mái
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM, tính đến trưa 19-11, đã có có 78 căn nhà, 88 phòng trọ bị tốc mái; làm ngã 7 trụ điện cùng 134 cây xanh. Trong đó, Thủ Đức là quận chịu thiệt hại nặng nhất khi có tới 67 căn nhà, 67 phòng trọ bị tốc mái. Kế đến là quận 9 có 3 căn bị tốc mái hoàn toàn cùng hàng loạt cây xanh ngã đổ, gãy cành. Chính quyền huyện Cần Giờ đã di dời toàn bộ dân ở các khu vực nguy hiểm đến trú tránh tại các công trình kiên cố. Tàu thuyền vẫn còn bị cấm ra khơi.
Mưa gió quật đổ hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đường ở TP HCM Ảnh: SỸ ĐÔNG
Cùng ngày, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có công điện gửi các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm lệnh cấm tàu thuyền ra khơi. Kiên quyết không cho người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. Các địa phương chuẩn bị sẵn phương án di dời, sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các vùng ven biển, ven sông có nguy cơ bị sóng biển, nước sông dâng cao khi áp thấp nhiệt đới vào bờ, gây mưa lũ lớn, các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn. Các địa phương miền núi chuyển trọng tâm từ ứng phó bão sang phòng chống lũ, ngập úng, sạt lở, bảo vệ sản xuất, nhân dân.
Trao đổi với phóng viên, bà Văn Nguyệt Ánh - Chủ tịch UBND phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - cho biết tại phường có hơn 20 nhà tốc mái, hư hại vì trận mưa lớn kèm gió lốc xảy ra vào tối 18-11. Gió lốc cũng làm tốc hơn 10 căn nhà ở phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An. Trên Quốc lộ 1K (thị xã Dĩ An), hàng trăm biển quảng cáo của nhà dân hai bên đường bị đổ sập, hư hỏng. Nhiều cây xanh lớn, nhỏ trồng trên một số tuyến đường ở TP Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An cũng bị mưa giông đánh bật rễ, đổ gãy.
Trong một diễn biến khác, các hãng hàng không đã hủy lịch bay và điều chỉnh giờ khởi hành đối với các chuyến bay đến/đi sân bay Tuy Hòa, Cam Ranh, Liên Khương, Quy Nhơn và Buôn Ma Thuột do ảnh hưởng của bão. Trong đó, Vietjet hủy 10 chuyến bay; Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco cũng hủy tổng cộng hơn 10 chuyến bay trên các chặng nói trên.
Tìm kiếm thuyền viên mất tích
Trước tình hình nguy hiểm của thời tiết, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam triển khai toàn bộ lực lượng ứng trực. Tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR412 được điều động ứng trực bão tại khu vực biển Quy Nhơn - Bình Định; tàu SAR274 trực tại khu vực Đà Nẵng; tàu SAR413, SAR272 trực tại Vũng Tàu; tàu SAR2701 trực tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó đã có một số tai nạn, sự cố xảy ra đối với tàu thuyền hoạt động trên biển. Cụ thể, lúc 1 giờ 30 phút ngày 18-11, tàu SAR274 đã cứu được thuyền viên Nguyễn Đức Hạnh (45 tuổi; ngụ xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) từ tàu QNg 94713TS trong tình trạng bị thương nặng. Vị trí bị nạn cách bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng khoảng 45 hải lý về phía Đông Đông Bắc.
Lúc 21 giờ ngày 18-11, tàu OCEAN BRIGHT thông báo bị mất khả năng điều động khi đang tránh trú bão tại vùng biển Quy Nhơn. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo trung tâm điều động tàu SAR412 khẩn trương đến vị trí tàu OCEAN BRIGHT để hỗ trợ khẩn cấp. Do điều kiện thời tiết tại hiện trường đang chuyển biến xấu, có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng thuyền viên, tàu SAR412 đã đưa toàn bộ 8 thuyền viên (trong đó có 4 thuyền viên quốc tịch Ấn Độ) rời tàu về bờ an toàn. Sau đó, tàu SAR412 tiếp tục trở lại khu vực biển chốt chặn theo kế hoạch để sẵn sàng ứng phó khi có tai nạn xảy ra.
Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 19-11, trực ban trung tâm nhận được thông tin từ tàu BV 5124TS có 2 thuyền viên bị rơi xuống biển tại vị trí cách mũi Vũng Tàu 44 hải lý về phía Đông. Lập tức, trung tâm đã điều động tàu SAR413 đến hiện trường, huy động và chỉ huy các tàu trong khu vực tìm kiếm. Hiện nay, công tác tìm kiếm 2 thuyền viên mất tích đang được tiến hành khẩn trương trong điều kiện biển động mạnh, gió cấp 6-7.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ngày 20-11, mực nước trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) lên mức 5 m, ở mức báo động 2; sông Vệ (Quảng Ngãi) lên mức 3,7 m, trên báo động 2: 0,2 m; sông Kôn tại Thạnh Hòa lên mức 7,2 m, trên báo động 2: 0,2 m; sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng lên mức 9,5 m, ở mức báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Từ nay đến ngày 24-11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Bình luận (0)