Trưa 25-11, bão số 9 đã đổ bộ vào TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gây mưa lớn; gió mạnh cấp 8-9.
Vũng Tàu: Mưa kín biển
Ở TP Vũng Tàu, khu vực ven biển bị bao phủ bởi màn mưa dày kín, sóng biển cao 3 m, đánh chìm tàu cá ngư dân. Dọc các con phố, không khí căng thẳng bao trùm. Đến chiều, khi thông tin dự báo bão giảm cường độ, người dân Vũng Tàu mới phần nào thở phào nhẹ nhõm.
Đơn vị chức năng tổ chức dọn dẹp cây bị gió quật ngã ở TP Vũng Tàu Ảnh: XUÂN HOÀNG
Dù vậy, mưa bão kéo dài đến chiều cùng ngày. Các con đường lớn ở trung tâm Vũng Tàu đều bị ngập cục bộ. Gió liên tục quần thảo tạo nên những cơn lốc xoáy cũng kéo ngã nhiều cột điện; quật ngã cây xanh, trong đó có cây xà cừ gần 100 tuổi trên đường Nguyễn Du.
Mỗi đợt mưa ngớt, các chướng ngại liền được lực lượng chức năng tổ chức dọn dẹp để giải tỏa giao thông. "Chúng tôi nhận được yêu cầu từ cấp trên phải giải tỏa nhanh chóng các chướng ngại trên đường phố do thiên tai, bảo đảm an toàn cho người dân" - một nhân viên đơn vị quản lý cây xanh đô thị nói.
Dọc các tuyến đường qua huyện Long Điền, nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Tại cầu Cửa Lấp, gió liên tục giật mạnh, lực lượng công an đã chốt chặn 2 bên cầu, hạn chế người qua lại để đề phòng nguy hiểm.
Chiều cùng ngày, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết thống kê ban đầu cho thấy thiệt hại do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới trên toàn tỉnh khá lớn nhưng chưa có con số cụ thể.
TP HCM: Hơn 40 điểm ngập
Nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 9, TP HCM cũng thiệt hại nặng. Trên địa bàn huyện Cần Giờ mưa lớn, gió giật mạnh khiến cây xanh bật gốc, nhà dân bị tốc mái. Trên đường Duyên Hải (thị trấn Cần Thạnh), 2 cây xanh lớn bật gốc nằm chắn ngang đường. Một số nhà dân bị tốc mái, bảng hiệu bị gió thổi bay lăn lóc khắp nơi.
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết rút kinh nghiệm từ những lần chống bão trước, huyện đã kêu gọi ngư dân, chủ tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú bão. "Hầu hết ngư dân đợt này đều thực hiện nghiêm lời kêu gọi, không ai liều mình ở lại giữ tàu thuyền như những lần trước" - ông Triển nói.
Có mặt tại Cần Giờ chiều 25-11, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, chỉ đạo lực lượng chức năng khắc phục sự cố cây đổ, bảo đảm an toàn lưu thông.
Trong khi đó, ở trung tâm TP HCM, mưa lớn, lốc xoáy kéo dài gần như cả ngày khiến cây xanh ngã đổ, nước ngập hầu khắp các tuyến đường. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động lúc 19 giờ 30 phút ngày 25-11, ông Bùi Văn Trường, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM), cho biết hiện TP có hơn 40 điểm ngập. Từ cuối giờ chiều, màn hình ứng dụng UDI Map của công ty này luôn hiển thị màu đỏ là chủ đạo, báo hiệu số điểm ngập ngày càng tăng về tối.
Lúc 20 giờ cùng ngày, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) ngập như sông, kéo dài hàng cây số và tối đen do điện bị ngắt, giao thông hỗn loạn. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra ở hàng loạt con đường khác như Bình Chiểu (quận Thủ Đức), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)...
Sở GTVT TP HCM cho biết trong cơn mưa đã xảy ra một vụ sạt lở đất với diện tích khoảng 400 m2 ở huyện Nhà Bè. Đặc biệt, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra: Cây xanh ngã đè chết ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi) khi đi xe máy trên đường Nguyễn Văn Linh (đoạn qua huyện Bình Chánh)...
Học sinh tiếp tục nghỉ học
Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM chiều 25-11, để bảo đảm an toàn cho học sinh, sở đề nghị trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện; lãnh đạo các trường học, các đơn vị giáo dục thông báo cho các em nghỉ học ngày thứ hai, 26-11. Trong khi đó, theo chỉ đạo của UBND TP, học sinh huyện Cần Giờ tiếp tục nghỉ học đến ngày thứ ba (27-11).
Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng thông báo cho học sinh trên địa bàn nghỉ học vào ngày 26-11.
Bình luận (0)