Tại TP Đà Nẵng đến 17 giờ cùng ngày, các tuyến đường trung tâm thành phố như Nguyễn Văn Linh, Hoàng Diệu, Quang Trung, Hải Phòng… và một số nơi ở các quận Thanh Khê, Liên Chiểu nước ngập sâu từ 50 cm đến hơn 1 m, gây ảnh hưởng đến giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân. Mưa lớn cũng gây sạt lở ở Km 905+600 đèo Hải Vân khiến giao thông bị chia cắt.
Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho học sinh các cấp nghỉ học để tránh mưa lũ. Tối 13-10, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, có công văn khẩn yêu cầu các lực lượng tập trung ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ".
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường ở TP Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện Phong Điền, Quảng Điền bị ngập, có nơi nước ngập hơn 1 m khiến giao thông tê liệt.
Người dân ở một con hẻm phường Trường An, TP Huế phải giăng dây di chuyển để bảo đảm an toàn Ảnh: QUANG NHẬT
Chiều 13-10, UBND phường An Tây (TP Huế) và các huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà đã tổ chức di dời 50 học sinh và hàng chục hộ dân. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát và kiên quyết tổ chức di dời dân hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng người dân.
Cùng với mưa lũ lớn ở miền Trung, hiện nay dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp khiến vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc Biển Đông và khu vực giữa Biển Đông; vùng biển phía Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông rải rác. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công điện, yêu cầu các tỉnh, thành ven biển Thanh Hóa đến Cà Mau và Kiên Giang theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo để thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển.
Bình luận (0)