Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 13-10, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mưa lũ đã làm 58 người chết, 38 người mất tích. Gần 200 ngôi nhà bị sập, hơn 30.000 ngôi nhà bị ngập; gần 2.000 hộ phải di dời khẩn cấp. Nhiều công trình giao thông, đê điều bị hư hỏng, vỡ.
Tang thương
Tại tỉnh Hòa Bình, ngày 13-10, trời vẫn trút từng cơn mưa lớn gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong trận lở đất đá kinh hoàng vùi lấp 18 người ở thôn Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc.
Mặc dù rất nỗ lực nhưng đến cuối ngày, lực lượng chức năng cũng chỉ tìm thấy thêm thi thể 1 nạn nhân. Đây là nạn nhân thứ 10 được tìm thấy, 8 người khác vẫn đang bị vùi lấp.
Một chỉ huy đội cứu hộ cho biết phương án nổ mìn cũng được tính đến để phá tan những khối đá lớn, giúp cuộc tìm kiếm nhanh chóng hơn. Ngoài mưa lớn, địa hình phức tạp cũng là trở ngại cho cuộc tìm kiếm và nhiều lần các chiến sĩ quân đội, công an phải tạm nghỉ do lở đất đe dọa.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thắp hương, động viên các gia đình có người thân mất tích tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái Ảnh: Huy Thanh
Nhà cửa bị vùi lấp, người dân thôn Khanh buộc phải đưa thi thể những người thân ra khu đất ven Quốc lộ 6 để làm đám tang tập thể. Ông Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, cho biết xã đứng ra lo liệu toàn bộ chi phí đám tang cho những người xấu số, đồng thời động viên tinh thần người thân của họ.
Sau hơn 3 ngày tập trung tìm kiếm, đến 15 giờ ngày 13-10, lực lượng cứu hộ tỉnh Yên Bái đã tìm thấy 4 nạn nhân bị mất tích, trong đó có thi thể nhà báo Đinh Hữu Dư (phóng viên TTXVN thường trú tại Yên Bái). Trận lũ quét kinh hoàng ngày 11-10 làm sập cầu Thia (xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cuốn trôi các nạn nhân.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Yên Bái đã có 7 người chết, 16 người mất tích, 7 người bị thương; 1.251 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 73 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; hệ thống giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở, nhiều tuyến đường bị chia cắt; 6.000 m kè chống lũ bị sạt lở; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị hư hại... Tổng thiệt hại ước tính trên 500 tỉ đồng.
Tại Thanh Hóa, ông Đặng Tiến Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, cho biết mưa lũ đã cướp đi sinh mạng 14 người, khiến 5 người mất tích và 5 người bị thương. Ngập lụt đang rất nghiêm trọng tại nhiều khu vực. Các công trình thủy lợi, đê điều, đường giao thông hư hỏng nặng. Hàng ngàn hộ dân tại các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, Nông Cống, Thiệu Hóa… đang bị chia cắt.
Bão số 11 có thể giật tới cấp 16
Trong lúc việc tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa gây ra ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gặp rất nhiều khó khăn thì cơn bão số 11 dự báo có thể giật lên cấp 16 đang tiến nhanh và đe dọa các tỉnh từ miền Trung đến Bắc Bộ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lúc 16 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão số 11 ở vào khoảng 17,3 độ vĩ Bắc; 118,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam sau có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 1, ngày 13-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện hỏa tốc, gửi các bộ ngành, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các tỉnh Bắc Bộ, chỉ đạo chủ động ứng phó bão. Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay khu vực bão đổ bộ vào đất liền nước ta chưa được xác định cụ thể nhưng kéo dài từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế.
Dự kiến, chiều nay (14-10), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 11 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Lãnh đạo Đảng, nhà nước quyên góp ủng hộ đồng bào
Chiều 13-10, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng đã quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Tổng số tiền quyên góp hơn 400 triệu đồng.
Cùng ngày, Công đoàn Văn phòng Chủ tịch nước, Đảng ủy Văn phòng Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Chính phủ cũng tổ chức phát động quyên góp ủng hộ nhân dân các địa phương bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, với mức tối thiểu mỗi lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ ít nhất 1 ngày lương.
Bình luận (0)