Mưa lớn gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong những ngày qua, nhất là tại các tỉnh Lai Châu - Ảnh: Phuc Truong
Trưa 25-6, ông Vũ Văn Luật, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, cho biết do mưa lũ lớn, các tuyến quốc lộ huyết mạch như Quốc lộ 279, Quốc lộ 4D, Quốc lộ 12 kết nối Lai Châu với các tỉnh lân cận bị đứt gãy, sạt lở khiến giao thông bị ách tắc, cô lập.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến đến 10 giờ sáng 25-6, tại tỉnh Lai Châu, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 6 người chết, 11 người mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 80 tỉ đồng.
Mưa lũ đang diễn ra kinh hoàng ở các tỉnh miền núi phía Bắc - Nguồn: Facebook Đức Minh
Trên tuyến Quốc lộ 4D, thiệt hại nặng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đoạn từ Km71-Km85 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường), đất đá sạt lở tại nhiều vị trí với khối lượng rất lớn, kèm theo nước mưa, nước suối chảy tràn trên nền, mặt đường, phá hủy kết cấu công trình giao thông. Giao thông trên đoạn tuyến bị ách tắc từ rạng sáng ngày 24-6. Đến nay, sau rất nhiều lỗ lực cứu chữa, khắc phục vẫn còn đoạn từ Km75-Km77 chưa thông được tuyến.
Nhiều tuyến quốc lộ đã bị hư hỏng nghiêm trọng
Tỉnh Lai Châu đang khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở đất, đá gây ách tắc giao thông tuyến Quốc lộ 4D (đoạn qua xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) - Ảnh: Báo Lai Châu
Quốc lộ 279 sạt lở, đứt đường đoạn Km162+200 (xã Phúc Than, huyện Than Uyên) với chiều dài 40 m. Thời gian thông xe dự kiến ngày 27-6.
Quốc lộ 32 sạt lở, tắc đường từ đoạn Km356-Km378 (xã Phúc Than-huyện Than Uyên, xã Pắc Ta-huyện Tân Uyên). Trong đó, đứt đường nghiêm trọng đoạn Km369 gây ắch tắc giao thông. Quốc lộ 12 sạt lở lớn, nhiều vị trí liên tiếp đoạn từ Km50-Km67 (xã Pa Tần, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ) với 9 điểm sạt lở lớn. Dự kiến thời gian thông xe trong chiều tối nay 25-6.
Đặc biệt, Quốc lộ 4H mưa lớn đã gây sạt lở lớn, nhiều vị trí liên tiếp trên toàn tuyến từ Km190-Km354 (Mường Nhé - Pắc Ma - Mường Tè - Pa Tần), trong đó thiệt hại lớn tập trung đoạn từ Km303-Km339 (xã Hua Bum, Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn; Xã Chung Chải, huyện Sìn Hồ). Riêng tại Km303+460 sạt lở đứt đường đầu cầu dài khoảng 35 m. Giao thông trên tuyến ách tắc hoàn toàn. Hiện, các phương tiện phải phân luồng theo tuyến Tỉnh lộ 127 (Lai Hà-Mường Tè). Thời gian thông xe trên tuyến dự kiến sau 7-10 ngày.
Nước lũ cô lập khắp nơi - Ảnh: Facebook Đức Minh
Nhiều tuyến đường đã bị tê liệt do mưa lũ và sạt lở đất - Ảnh: Facebook Đức Minh
Trên các tuyến đường địa phương, mưa lớn cũng gây thiệt hại nghiêm trọng. Tỉnh lộ 127 (Lai Hà - Mường Tè) sạt lở lớn xảy ra trên đoạn từ Km0-Km55 (các xã: Lê Lợi, Nậm Hàng, Mường Mô, huyện Nậm Nhùn). Tỉnh lộ 128 (Chiềng Chăn-Sìn Hồ), khối lượng thiệt hại lớn xảy ra trên đoạn từ Km0-Km20, hiện tại trên tuyến vẫn tiếp tục xảy ra sạt lở. Tỉnh lộ 136 (San Thàng-Đông Pao-Bình Lư), ngầm tràn đoạn Km13+300 nước lớn, các phương tiện không thể qua lại.
Thủy điện Lai Châu dự kiến vận hành cửa xả điều tiết chống lũ
Tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do mưa lớn kèm lũ ống xuất hiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, đã xuất hiện đợt lũ về các hồ chứa thủy điện khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, bao gồm Lai Châu, Sơn La, Bản Chát và Tuyên Quang. Lưu lượng nước về các hồ Bản Chát và Sơn La hiện đang xuống, lưu lượng về các hồ Lai Châu và Tuyên Quang đang lên. Hồ Bản Chát đạt đỉnh 6.685 m3/s lúc 13 giờ 45 ngày 24-6; hồ Sơn La đạt đỉnh 7.523 m3/s lúc 0 giờ ngày 25-6.
Thực hiện quy trình điều tiết hồ chứa, thủy điện Lai Châu dự kiến sẽ vận hành mở từ 1 đến 5 cửa xả mặt và 2 cửa xả đáy vào lúc 13 giờ ngày 25-6, tùy theo lưu lượng về hồ, để điều tiết mực nước hồ chứa Thủy điện Lai Châu không vượt quá mực nước dâng bình thường (cao trình 295 m), nhằm đảm bảo vận hành an toàn hồ đập, tuân thủ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Công ty Thủy điện Sơn La, lúc 9 giờ ngày 25-6, mực nước hồ chứa Thủy điện Lai Châu là 289,74 m. Lưu lượng nước về 8.115 m3/s. Tổng lưu lượng qua 3 tổ máy là 1.565 m3/s. Các cửa xả đáy, xả mặt vẫn đóng hoàn toàn. Dự kiến, khi Thủy điện Lai Châu vận hành xả lũ, tổng lưu lượng xả qua đập lớn nhất là 8.342 m3/s; trong đó lưu lượng qua tuabin khoảng 1.600 m3/s, qua tràn khoảng 6.832 m3/s.
Công ty Thủy điện Sơn La đã sớm có thông báo với chính quyền các tỉnh Lai Châu, Điện Biên; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương vùng thượng và hạ lưu đập Thủy điện Lai Châu, để phối hợp đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình, thiết bị.
Tập trung cứu dân, không để dân bị đói
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện về việc tập trung tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.
Công điện nêu rõ: Từ đêm ngày 23-6 ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lũ lớn đầu mùa đã gây sạt lở đất, thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh miền núi, nhất là tại các tỉnh Lai Châu và Hà Giang, một số người hiện còn đang mất tích. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng.
Để chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng yêu cầu: Ủy ban nhân dân các tỉnh và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho địa phương khi có yêu cầu.
Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật thông tin để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
Bình luận (0)